Huawei chạy đua phát triển công nghệ mới giữa đại dịch COVID-19
Bất chấp đại dịch COVID-19 bùng phát triên toàn cầu, 20.000 kỹ sư của Huawei vẫn chạy đua với thời gian để phát triển các công nghệ mới.
Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập, kiêm CEO của Huawei
Xuất hiện trong cuộc phỏng vấn trực tuyến từ văn phòng làm việc ở Thâm Quyến với South China Morning Post hôm 24/3, ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập, kiêm CEO của Huawei khẳng định, đại dịch COVID-19 không làm chậm tiến độ phát triển công nghệ mới của tập đoàn.
Trong khi nhiều công ty ở Trung Quốc và trên thế giới kích hoạt chế độ "tạm dừng hoạt động kinh doanh", thì các kĩ sư của Huawei lại làm việc suốt ngày đêm để chống khủng hoảng.
Ông Nhậm cho biết, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc đang được thúc đẩy bởi ý thức về sứ mệnh.
"Hơn 20.000 nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư của chúng tôi đã làm việc ngoài giờ trong Tết Nguyên đán bởi chúng tôi đang chạy đua để phát triển "công nghệ mới", ông Nhậm Chính Phi nói khi đề cập tới một công nghệ nào đó có thể giúp Huawei vượt lên trong cuôc cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, ông không tiết lộ chi tiết hơn.
"Mỹ sẽ tiếp tuc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với chúng tôi và Huawei phải hoàn thành (các công nghệ mới) trước khi điều đó xảy ra", ông Nhậm nói thêm.
Bên cạnh khó khăn đến từ đại dịch COVID-19, các biện pháp trừng phạt của Mỹ, thêm một vấn đề chưa được giải quyết với Huawei chính là bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei, con gái của ông Nhậm Chính Phi vẫn bị giam lỏng ở Canada, chờ xét xử và dẫn độ về Mỹ, nơi bà phải đối mặt với nhiều cáo buộc tài chính.
Trong buổi phỏng vấn, người sáng lập Huawei nói ông rất nhớ con gái của mình và cuộc điện thoại gần đây nhất giữa hai bố con là vào tháng 1, trong kì nghỉ Tết Nguyên đán. Ông Nhậm nói, những gì mà con gái đang phải trải qua "không phải là tình huống tồi tệ nhất".
"Tôi tin vào sự cởi mở và công bằng của hệ thống pháp luật Canada. Tình báo Mỹ đã dành hơn một thập niên để tìm ra sai phạm từ phía chúng tôi, nhưng cho đến nay vẫn không có bằng chứng cụ thể".
Tháng 5 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã đưa Huawei vào "danh sách đen", cấm thực hiện các giao dịch và mua bán với các hãng công nghệ của Mỹ mà không được phép, với những cáo buộc sản phẩm của Huawei được lợi dụng để thu thập thông tin tình báo và gây nguy hại cho an ninh quốc gia.
Sau lệnh cấm, hàng loạt hãng công nghệ lớn của Mỹ đã ngừng hợp tác với Huawei vì lo ngại sẽ bị chính quyền Washington trừng phạt. Google sau đó còn ngừng cấp phép để Huawei tiếp tục sử dụng các dịch vụ và ứng dụng của mình trên smartphone sử dụng nền tảng Android của hãng.
Minh Thùy/TH