Huawei chạy đua phát triển công nghệ mới giữa mùa dịch Covid-19
Huawei đã nối lại hơn 90% hoạt động sản xuất và phát triển. Công ty cũng giữ cung cấp cho các đối tác thiết bị bảo vệ để tiếp tục sản xuất trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra.
Trong khi đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều công ty ở Trung Quốc và trên thế giới phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, các kỹ sư của Huawei vẫn làm việc không ngừng nghỉ để chiến đấu với cuộc khủng hoảng. Nhậm Chính Phi, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei, cho biết công ty của ông đã được thúc đẩy bởi ý thức về sứ mệnh của mình.
“Hơn 20.000 nhà nghiên cứu, chuyên gia và kỹ sư làm việc thêm giờ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bởi vì chúng tôi đang chạy đua để phát triển công nghệ mới”, ông Nhậm Chính Phi nói trong cuộc phỏng vấn trực tuyến từ văn phòng làm việc của ông ở Thâm Quyến với South China Morning Post hôm 24/3.
Ông đề cập đến sự tiến triển công việc như là “một điều gì đó sẽ giúp chúng tôi vượt lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu”, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Trước khi đối mặt với khó khăn chung do dịch Covid-19 bùng phát, siết chặt ngành sản xuất Trung Quốc và làm tê liệt hoạt động kinh tế khắp thế giới, Huawei từng chịu không ít đòn trừng phạt từ phía Mỹ đối với hoạt động kinh doanh thiết bị mạng 5G. “Mỹ sẽ tiếp tục tăng các biện pháp trừng phạt dành cho chúng tôi và chúng tôi sẽ phải hoàn thành các công nghệ mới trước khi điều đó xảy ra”, ông Nhậm Chính Phi nói.
Huawei sẽ đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, với ngân sách năm 2020 vượt 20 tỷ USD, tăng so với 15 tỷ USD trong năm ngoái.
Bên cạnh các lệnh trừng phạt của chính quyền Mỹ, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới còn có một vấn đề quan trọng khác. Đó là bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính Huawei, con gái của ông Nhậm Chính Phi, vẫn đang bị giam lỏng ở Canada chờ xét xử và dẫn độ về Mỹ, nơi bà phải đối mặt với 23 cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Trong buổi phỏng vấn, người sáng lập Huawei nói ông rất nhớ con gái của mình và tự tin rằng những gì bà Mạnh Vãn Chu trải qua “không phải là tình huống tồi tệ nhất”. “Tôi tin vào sự cởi mở và công bằng của hệ thống pháp luật Canada. Tình báo Mỹ đã dành hơn một thập niên để tìm ra sai phạm từ phía chúng tôi, nhưng cho đến nay vẫn không có bằng chứng cụ thể”.
Tháng 5.2019, Washington đã đưa Huawei và 68 chi nhánh của công ty ở bên ngoài Mỹ vào danh sách đen thương mại, cáo buộc hãng công nghệ Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, điều mà Huawei liên tục phủ nhận. Động thái cứng rắn từ chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hạn chế khả năng của Huawei trong việc mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các nhà cung cấp công nghệ cao của Mỹ. Cụ thể trong đó còn bao gồm lệnh cấm sử dụng các dịch vụ di động của Google và các thành phần chính trong trạm cơ sở mạng di động thế hệ tiếp theo.
Mặc dù gia hạn thời gian cho phép Huawei tạm thời tiếp tục làm ăn với các nhà cung cấp của Mỹ đến giữa tháng 5.2020, nhưng hồi đầu tháng này ông Trump đã ký luật cấm các nhà mạng viễn thông trong nước sử dụng trợ cấp của Mỹ để mua thiết bị mạng từ Huawei. Chính quyền ông Trump cũng tiếp tục thúc giục đồng minh châu Âu không nên chấp thuận cho hãng viễn thông Trung Quốc tham gia phát triển mạng di động 5G.
“Không có vấn đề gì để công ty chúng tôi không tiếp tục tồn tại, nhưng tình hình đó đặt ra một câu hỏi rằng liệu chúng tôi có thể giữ vững được vị trí hàng đầu hay không. Chúng tôi không thể giành chiến thắng và dẫn đầu thế giới trong vòng ba đến năm năm tới, nếu chúng tôi không phát triển được công nghệ mới của riêng mình”, ông Nhậm Chính Phi nói.
Huawei sẽ đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, với ngân sách năm 2020 vượt 20 tỷ USD, tăng so với 15 tỷ USD trong năm ngoái. Tuy nhiên, ông Nhậm Chính Phi cũng lưu ý rằng việc tách biệt hoàn toàn với Mỹ là điều không thể đối với Huawei. Ngược lại “các công ty của Mỹ cũng cần Huawei với tư cách là khách hàng để tồn tại”, không ai có thể làm ăn riêng một mình trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Song, tham vọng của Huawei để vượt ra khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ hiện bị đặt dưới một áp lực khác do sự bùng nổ đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã lan rộng tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, khóa chặt hoạt động kinh tế, buộc hơn một phần năm dân số toàn cầu phải ở trong nhà. Dù vậy, ông Nhậm Chính Phi vẫn tự tin rằng Huawei có thể vượt qua khủng hoảng. “Lệnh trừng phạt của Mỹ hay đại dịch đều không có ảnh hưởng lớn đến chúng tôi. Chúng tôi tin rằng tác động chỉ ở mức tối thiểu và chúng tôi có thể vượt qua nó”.
Huawei đã nối lại hơn 90% hoạt động sản xuất và phát triển. Công ty cũng giữ nguyên chuỗi cung ứng bằng cách cung cấp cho các đối tác thiết bị bảo vệ để tiếp tục sản xuất trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra.