Indonesia sẽ triển khai lưới điện thông minh cho giai đoạn 2021–2030

09:01, 23/02/2021

Phát biểu tại cuộc hội thảo với chủ đề “Điện lưới thông minh (Smart Grid) cho giai đoạn 2021-2030” ngày 22/2, Giám đốc Phát triển Chương trình Điện lực thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (ESDM), Jisman Hutajulu cho biết Bộ này đang khuyến khích phát triển lưới điện thông minh ở trên lãnh thổ Indonesia.

 

Một góc thủ đô Jakarta. (Nguồn: Indonesia Expat)

 

Lưới điện thông minh sẽ được đưa vào Kế hoạch kinh doanh cung cấp điện (RUPTL) của chính phủ cho giai đoạn 2021–2030 với mục tiêu xây dựng khoảng 5 địa điểm mỗi năm.

Theo ông Jisman Hutajulu, chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2019 và Quy định của Tổng thống số 18/2020 về việc phát triển lưới điện thông minh. Việc đổi mới công nghệ lưới điện thông minh là sử dụng những tiến bộ trong công nghệ truyền thông, máy tính và không gian mạng để có thể điều khiển và vận hành hệ thống điện trong phân điện lực nên việc xây dựng một lưới điện thông minh cần có lộ trình và đòi hỏi kiến thức và nhận thức chung giữa các bên liên quan.

Công ty điện lực quốc gia Indonesia (PLN) đã triển khai các dự án thí điểm phát triển lưới điện thông minh từ năm 2014 thông qua lắp đặt đồng hồ đo điện có liên lạc hai chiều ở thủ đô Jakarta. Các dự án này mới chỉ tập trung vào việc phát triển quản lý năng lượng, độ tin cậy của điện thông qua tự động hóa và tích hợp với năng lượng mới và tái tạo.

Trong ngắn hạn từ năm 2021–2025, PLN sẽ tập trung vào độ tin cậy, hiệu quả, trải nghiệm khách hàng và năng suất mạng. Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2026, PLN sẽ tập trung vào khả năng phục hồi, sự tham gia của khách hàng, tính bền vững và khả năng tự phục hồi.

Còn theo ông Randi Kristiansen đến từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong hoạch định lộ trình lưới điện thông minh, việc thay đổi phần cứng là chưa đủ. Ngoài phần cứng, điều quan trọng là Chính phủ Indonesia phải bắt đầu đầu tư vào các quy trình vận hành, cũng như các chính sách và thể chế. Hệ thống điện cần cung cấp các khoản đầu tư và khuyến khích cho sự đóng góp của công nghệ.

Australia, Ireland, Chile là những quốc gia đang điều chỉnh thị trường để đạt được điều này, Indonesia có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia này. Tuy nhiên, để có một lộ trình lưới điện thông minh còn tùy thuộc vào hệ thống điện của từng quốc gia.

Thanh Tùng (T/h)