IPTV định nghĩa mới về cách xem
06:09, 20/08/2009
Hiện các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang chuyển đổi rất nhanh từ nhà cung cấp hạ tầng mạng lưới sang nhà cung cấp thông tin. Triển khai các dịch vụ trên hạ tầng với sự cải cách hết sức mạnh mẽ. FPT Telecom là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên chính thức khai thác và cung cấp dịch vụ IPTV trên hệ thống mạng băng rộng. Nhưng mạnh mẽ và toàn diện hơn cả phải nói đến Tập đoàn VNPT đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho triển khai dịch vụ IPTV trên mạng băng rộng của mình.
IPTV không phải là dịch vụ truyền hình đơn thuần
Là người am hiểu và theo sát quá trình xây dựng và phát triển dịch vụ IPTV, phó tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, Bùi Thiện Minh quan điểm: “Với dịch vụ băng thông rộng, thì nói đến truy cập Internet là hàng đầu. Nhu cầu tra cứu thông tin là thiết yếu, tối thiểu. Tuy nhiên, đến một lúc nào đấy, nhu cầu không chỉ dừng lại ở đọc. Và lúc này sẽ có hình thức phân loại nhu cầu để phục vụ. Do đó, dịch vụ ngay sau truy cập Internet là dịch vụ IPTV.
Vì sao IPTV lại là kế cận? Ông Minh giải thích: “Nhu cầu giải trí của tất cả mọi người rất lớn. Đặt câu hỏi cho một người là ngồi bao nhiều giờ trước màn hình ti vi? Câu trả lời là: “nhiều giờ”. Đặc biệt ở môi trường vui chơi giải trí như ở nước ta hiện không có nhiều, thậm chí là đơn điệu.
Người dân chủ yếu “chơi” với màn hình tivi, vừa phong phú, vừa rẻ tiền. Tuy nhiên, dịch vụ truyền hình hiện nay, cho dù cung cấp những gì, trả giá đến thế nào cũng vẫn chỉ là cách thưởng thức thụ động, cho gì xem nấy! Nhưng với dịch vụ IPTV thì không có gì không thể, chính là cần gì xem nấy!”.
Ông Minh trong một buổi tập huấn phát triển dịch vụ đã phát biểu, cho rằng: “Chúng ta phải định nghĩa IPTV khác đi. IPTV là dịch vụ dùng màn hình tivi để cung cấp dịch vụ, trong đó chủ yếu là dịch vụ tương tác, chứ không phải chỉ để xem tivi…”.

Cũng theo ông thì, hệ thống mạng băng rộng của VNPT hoàn toàn đáp ứng yêu cầu để đưa IPTV vào phục vụ và khẳng định: “Cất lượng là chìa khoá đầu tiên để IPTV phát triển”. Dịch vụ IPTV của VNPT trong giai đoạn đầu sẽ được triển khai với nội dung khoảng 300 phim, gameshow truyền hình và các chương trình ca nhạc, thể thao, thời trang.
Sức mạnh của IPTV được thể hiện mạnh mẽ với các dịch vụ hoàn toàn mới như Karaoke theo yêu cầu, Game theo yêu cầu, truy cập Internet.... Đồng thời có thể khẳng định, với hạ tầng mạng truy nhập hữu tuyến và vô tuyến băng rộng trên nền mạng NGN hiện đại mà các nhà khai thác cung cấp dịch vụ của Việt Nam đã và đang hướng tới xây dựng thì việc triển khai dịch vụ IPTV hoàn toàn khả thi.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ IPTV là rất cao
Anh Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty phần mềm VASC, đơn vị chủ quản phát triển dịch vụ IPTV thương hiệu MyTV, cho biết, nhu cầu người dùng hiện nay quan tâm tới chất lượng dịch vụ cao. Do vậy, nhà cung cấp dịch vụ cần phải tạo ra những “món ăn ngon” hơn, và để người bỏ tiền ra có quyền được lựa chọn theo sở thích.
Được biết, để đánh giá nhu cầu của thị trường (khách hàng) đối với dịch vụ IPTV, nhà cung cấp nội dung VASC đã từng tổ chức một cuộc thăm dò nhu cầu tại 04 thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Kết quả thăm dò nhu cầu thị trường: Hầu hết các gia đình đều đã có TV và đầu đĩa DVD, VCD, CD. Thói quen xem TV/phim, nghe nhạc tại nhà chiếm phần lớn thời gian giải trí. Tại 4 thành phố được khảo sát, gần 1/3 người dân có nhu cầu truy cập Internet và khoảng 1/8 dân chúng có thói quen xem phim tại rạp và chơi video game. Một nửa đối tượng khảo sát có đăng ký sử dụng truyền hình cáp/kỹ thuật số cho thấy, người dân rất hứng thú với các loại hình dịch vụ giải trí truyền hình, đặc biệt là hình thức dịch vụ tivi có trả tiền.
Thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ là khác nhau, nhưng xét một cách tổng thể thì các nhà cung cấp dịch vụ TH cáp/KTS đã đáp ứng được hơn 70% nhu cầu giải trí truyền hình của khách hàng. Gần một nửa khách hàng hài lòng với nhà cung cấp dịch vụ nhờ sự đa dạng về các kênh và chương trình truyền hình, 1/4 còn lại hài lòng về chất lượng nội dung chương trình.
Trong khi đó có khoảng 1/3 khách hàng mong đợi có thêm nhiều kênh truyền hình,… Tại Đà Nẵng, 90% người được hỏi đều thú vị với dịch vụ IPTV này. Kế đến là TP.HCM và Hải Phòng với 81% và 80%, cuối cùng là Hà Nội với chỉ hơn 54%. Trong chuyến khảo sát thực tế phát triển dịch vụ IPTV ở Hải Phòng, cho thấy con số thuê bao ADSL đăng ký sử dụng dịch vụ IPTV tại Hải Phòng chưa nhiều.
Tuy nhiên, theo anh Vũ Hồng Minh, phó Giám đốc VNPT Hải Phòng thì hồ sơ đăng ký lắp đặt đã khá dày, thậm chí có nhiều người gọi điện đến Trung tâm khách hàng để đăng ký. Được biết, quá trình triển khai dịch vụ cũng gặp không ít khó khăn chưa có hướng giải quyết. Ví dụ như nhiều gia đình ở quá xa trung tâm, khó có điều kiện kéo cáp quang. Hoặc có gia đình đòi lắp chung 1 set-top-box cho 3 phòng trong 3 tầng nhà.
Xu hướng tất yếu
Như vậy, xét trên góc độ nhu cầu thị trường, đa số khách hàng có nhu cầu sử dụng loại hình dịch vụ IPTV và sẵn sàng trả thêm mức phí dịch vụ để có được khả năng giải trí thuận tiện, chất lượng. Việc triển khai truyền hình IPTV có thể xem là một xu hướng tất yếu ở nước ta bởi trong những năm gần đây Tập đoàn VNPT đã rất đẩy mạnh việc phát triển mạng Internet băng rộng với mục đích đưa Internet tốc độ cao đến từng nhà. Đây là cơ sở tối cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ giá trị gia tăng mới trên nền mạng Internet và IPTV là một trong số đó.
Dịch vụ MyTV
Dự kiến được khai trương vào ngày 30/09/2009, MyTV được kỳ vọng sẽ là dịch vụ hàng đầu của VNPT, mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.