JVE Group xử lý thí điểm thành công gần 100% mùi nước rỉ rác của bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản
Ngày 28/01, tại Khu liên hợp XLCT Nam Sơn, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cùng chuyên gia, nhà khoa học đã nghe báo cáo kết quả cập nhật sau 03 tuần xử lý và chứng kiến đánh giá sau 01 tháng vận hành thí điểm xử lý mùi bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.
Kết quả cho thấy, nồng độ mùi tổng hợp và cả nồng độ mùi riêng lẻ của nước rỉ rác đã giảm nhiều nhất gần đạt 100% (cụ thể lần lượt là 99,4% và 99,9% giảm nhiều nhất lên tới hơn 1300 lần) đạt cả Quy chuẩn Việt Nam và Nhật Bản.
Đặc biệt, kết quả mùi nền không khí tổng hợp đo tại hiện trường sau 01 tháng xử lý giảm về 1 tức giảm tới 99,7% (trước đó, sau 01 tuần đã giảm 94,2%), đây là chỉ số quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực người dân sinh sống. Cảm quan không còn mùi hôi thối, dự án đã thành công như dự kiến ban đầu của các chuyên gia.
Hà Nội đồng ý cho thực hiện thí điểm
Như tin đã đưa, Ngày 26/10/2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đã gửi Công văn số 589/2020/CV-JVE để báo cáo thành phố Hà Nội về đề xuất tài trợ miễn phí thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE Group.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt, tâm huyết vì người dân Thủ đô, ngày 06/11/2020, đồng chí GS.TS.Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có văn bản về việc giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị có liên quan xem xét, cho ý kiến về đề xuất của JVE Group. Ngay sau đó, UBND Thành phố đã ra các văn bản chỉ đạo hết sức quyết liệt.
Ngày 04/12/2020, Sở Xây dựng Hà Nội ra văn bản số 11794/SXD-HT, đề nghị JVE Group chuẩn bị máy móc, thiết bị, nhân lực để lắp đặt, vận hành thiết bị khử mùi theo tiến độ đã thống nhất. Trong quá trình thực hiện phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền về công nghệ, công khai hiệu quả xử lý, góp phần giải tỏa bức xúc dân sinh về môi trường. Ngày 28/12/2020, Dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn đã được tiến hành lắp đặt thiết bị máy sục khí nano (công suất của loại máy nano được sử dụng lớn gấp 5 lần công suất của máy nano đã lắp đặt thí điểm tại sông Tô Lịch) tại vị trí đã được giao trong Khu Liên hợp XLCT Nam Sơn. Và hôm nay, 28/01/2021, tròn kết thúc 01 tháng xử lý thí điểm như kế hoạch ban đầu đã đề xuất, đại diện các Sở, ban, ngành, đơn vị đánh giá độc lập, chuyên gia, nhà khoa học tham gia chứng kiến việc đánh giá kết quả sau xử lý và kết thúc Dự án thí điểm.
Cảnh đánh giá đo mùi sau 01 tháng thí điểm tại bãi rác Nam Sơn.
Trong buổi báo cáo kết quả cập nhật sau thời gian xử lý và đánh giá sau 1 tháng vận hành thí điểm có đại diện các Sở Xây dựng; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh Nam Sơn (URENCO 8); Đại diện UBND huyện Sóc Sơn (Phòng Tài nguyên và Môi trường); Đại diện UBND, người dân 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ và 2 đơn vị đánh giá độc lập là Trung tâm Chất lượng & Bảo vệ tài nguyên nước (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia – Bộ TN&MT) cùng Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
Bên cạnh đó còn có GS.TSKH.Đặng Huy Huỳnh (Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật - (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam). Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam và GS.TS.NGND.Trần Hiếu Nhuệ (Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam).
Đánh giá theo Quy chuẩn mùi “riêng lẻ” của Việt Nam: Giảm 99,9% (tức giảm hơn 1300 lần), đạt Quy chuẩn (QCVN 06:2009/BTNMT)
Ngoài phương pháp đánh giá mùi tổng hợp bằng thiết bị đo mùi hiện đại được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản và đánh giá theo Quy chuẩn của Nhật Bản thì đơn vị đánh giá độc lập là Viện Công nghệ Môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện đánh giá thêm yếu tố mùi riêng lẻ khác theo Quy chuẩn của Việt Nam - QCVN 06:2009/BTNMT để có thêm số liệu tham khảo.
Kết quả cho thấy, nồng độ mùi riêng lẻ của khí H2S (mùi trứng thối) đo trong thời gian trung bình 1 giờ đã giảm nhiều nhất chỉ còn 0.001mg/m3 (thấp hơn và vượt mong đợi so với ngưỡng mà QCVN 06:2009/BTNMT quy định là <0.042 mg/m3, tức chỉ bằng 1/42 lần so với ngưỡng quy định). Trong khi đó, nồng độ mùi riêng lẻ của khí NH3 đo trong thời gian trung bình 1 giờ đã giảm nhiều nhất từ 78,5 mg/m3 xuống 0.06 mg/m3 tức đã giảm tới 99,9% (giảm nhiều nhất lên tới hơn 1300 lần) lượng mùi và không còn mùi hôi thối.
Đánh giá theo Quy chuẩn mùi “tổng hợp” của Nhật Bản: Giảm 99,4%, đạt Quy chuẩn 02 của Nhật Bản.
Ngày 18/01/2021, Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia – Bộ TN&MT) , Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tiến hành đo nồng độ mùi tổng hợp sau 03 tuần tiến hành xử lý bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.
Đơn vị kiểm định thực hiện đo mùi độc lập sử dụng thiết bị đo mùi tổng hợp cầm tay được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản thì kết quả cho thấy, sau 03 tuần xử lý giá trị nồng độ mùi tổng hợp sau xử lý dưới mặt hồ giảm mạnh nhất từ 999 xuống 6, tức giảm tới 99,4% lượng mùi hôi thối. Ngoài ra, tại 04 vị trí trên bờ hồ, giá trị nồng độ mùi tổng hợp sau 03 tuần xử lý giảm mạnh từ 999 xuống 8, tức giảm tới 99,2% lượng mùi hôi thối. (Trước đó kết quả sau 01 tuần xử lý lần lượt là 97,9% và 98,2%)
Như vậy, phương pháp đo định lượng nồng độ mùi tổng hợp nước rỉ rác bằng cách đo trực tiếp dưới mặt hồ và mẫu nước lấy lên trên bờ đều cho giá trị tương đồng nhau (đều hơn 99% tức xấp xỉ 100%) và đều nhỏ hơn rất nhiều ngưỡng quy định Quy chuẩn 02 của Nhật Bản (quy định nồng độ mùi <100). Do chỉ sau 01 tuần xử lý các giá trị nồng độ mùi tổng hợp đã giảm nhiều nhất lên tới 98,2% (gần 100%) nên sau 03 tuần thì biên độ giảm chỉ thay đổi ít thành 99,4% (gần 100%) vì mùi hôi thối đã gần như không còn để có thể giảm được nữa.
Nồng độ mùi tổng hợp đo dưới mặt hồ và trên bờ hồ nước rỉ rác trước và sau xử lý.
Đo định lượng nồng độ mùi tổng hợp mẫu nước rỉ rác ở dưới mặt hồ: giảm 99,4%
Kết quả mùi nước rỉ rác dưới mặt hồ sau 01 tuần xử lý (Giảm nhiều nhất xuống 16).
Kết quả mùi nước rỉ rác dưới mặt hồ sau 03 tuần xử lý (Giảm nhiều nhất xuống 6).
Đo định lượng nồng độ mùi tổng hợp mẫu nước rỉ rác ở trên bờ hồ: giảm 99,2%
Kết quả mùi nước rỉ rác trên bờ hồ trước xử lý (Kết quả đo được là 999).
Kết quả mùi nước rỉ rác trên bờ hồ sau 03 tuần xử lý (Giảm nhiều nhất xuống 8).
Đo định lượng nồng độ mùi nền không khí tổng hợp: Đã giảm mạnh 99,7% sau 01 tháng xử lý thí điểm.
Không chỉ ở khu vực hồ chứa nước rỉ rác, mùi không khí tổng hợp xung quanh khu vực thí điểm cũng được đo đạc và đánh giá, đây là chỉ số quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực người dân sinh sống. Kết quả cho thấy, mùi hôi thối đã giảm về 1 tức giảm mạnh 99,7%.
Kết quả mùi nền không khí xung quanh sau 01 tuần xử lý (Giảm nhiều nhất xuống 20)
Kết quả mùi nền không khí xung quanh sau 1 tháng xử lý (Giảm nhiều nhất xuống 1)
Đồ thị biểu thị sự cải thiện của mùi nền không khí tổng hợp xung quanh khu vực thí điểm tại hồ H4 (bãi rác Nam Sơn)
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group cho biết: "Mùi hôi thối là mùi của các khí như H2S (mùi trứng thối), NH3(mùi khai), vv...và chính các khí này bốc lên tạo ra mùi hôi thối. Rất nhiều người nghĩ rằng nó tồn tại, đồn trú trên mặt nước nhưng thực tế không phải, các khí này tích tụ, đồn trú, tồn tại ở trong nước và dưới tầng đáy".
Ở Việt Nam chúng ta, thường dùng 02 giải pháp để xử lý sau khi khí đã bốc lên đó là:
+Giải pháp 1: Che phủ kín bằng bạt HDPE để bịt kín và "nhốt" khí, "trùm kín khí".
+Giải pháp 2: Dùng máy phun sương để khử mùi hôi thối sau khi bốc lên trên bề mặt.
Cả hai giải pháp đang áp dụng tại Việt Nam vẫn là giải pháp chỉ xử lý được ở "phần ngọn" mà chưa đi vào xử lý ở cái gốc của vấn đề là phân hủy các khí gây ra mùi tích tụ ở dưới đáy trước khi nó bay lên mặt nước.
Bọt khí nano giống như các sư đoàn chiến binh "lặn" xuống đáy để tiêu diệt quân địch là các khí gây ra mùi
Để xử lý mùi hôi thối gây ra do các khí tích tụ trong nước và dưới tầng đáy thì phải có giải pháp cung cấp oxy, nhưng oxy đó phải “lặn” sâu xuống được tầng đáy thì mới gặp được các khí gây ra mùi đang tích tụ ở tầng đáy thì mới phân hủy được.
Để dễ hiểu, chúng ta có thể coi là các khí độc gây ra mùi hôi thối đó như các “sư đoàn quân địch” đang đồn trú ở dưới tầng đáy và muốn xử lý hết mùi hôi thối tận gốc thì chúng ta phải điều các “sư đoàn chiến binh bọt khí oxy nano” đi “lặn” xuống đáy thì mới đánh thắng quân địch (là sư đoàn các khí độc) thì mới xử lý được tận gốc mùi hôi thối.
Kích thước bọt khí thông thường to hơn bọt khí nano từ 20.000~40.000 lần nên sẽ nổi nhanh lên mặt nước, không tồn tại lâu và không lặn được xuống tầng đáy.
Theo chuyên gia Nhật Bản, sục khí thông thường sẽ chỉ tạo ra bọt khí to (đường kính từ 1~2mm) tồn tại khoảng 5 giây là nổi lên mặt nước và vỡ ra. Tương tự các chiến binh mà khả năng lặn kém thì chỉ 5 giây là ngoi lên mặt nước. Do vậy, bọt khí oxy thông thường không tồn tại được lâu trong nước và không lặn được xuống dưới tầng đáy được nên nó không gặp và không phản ứng được với các khí gây ra mùi thôi hối trong nước rỉ rác. Do vậy, nếu sử dụng máy sục khí thông thường (như đã làm tại hồ Bàu Trảng – TP Đà Nẵng) thì càng sục càng bốc mùi hôi thối vì các khí độc chưa bị phân hủy và và bay lên.
Trong khi nếu sục khí nano sẽ tạo ra đồng thời 2 loại bọt khí siêu nhỏ kích thước micro (đường kính <50μm), bọt khí nano (đường kính <50nm) của Nhật Bản sẽ “lặn” vào trong nước và xuống tầng đáy. (Đường kính 1~2 mm của bọt khí thông thường là to gấp 20.000~40.000 lần đường kính 50nm của bọt khí nano)
So sánh giữa kích thước, tính chất vật lý giữa bọt khí thông thường và bọt khí nano.
Bọt khí nano như các “sư đoàn chiến binh bọt khí oxy nano” có khả năng “lặn” giỏi như Yết Kiêu và lâu hơn bọt khí thông thường gần 6.000 lần
Thời gian “lặn” 1 lần của sư đoàn chiến binh bọt khí oxy nano” có khả năng “lặn” giỏi như Yết Kiêu khi sục khí tối thiểu là 8 tiếng tức thời gian “lặn” vào trong nước và xuống tầng đáy dài hơn bọt khí thông thường là 5.760 lần (tức gần 6000 lần). Do vậy hiệu quả mùi hôi thối được xử lý rất nhanh trong thời gian ngắn bởi khi “lặn” và tồn tại lâu trong nước và tầng đáy thì nó gặp và phân hủy tức thì các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3 (mùi khai), CH4 vv..., do vậy càng sục nano càng hết mùi hôi thối.
Kết luận về Kết quả thí điểm sau 1 tuần và 3 tuần xử lý
Dự án thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn đặt ra mục tiêu là giảm được mùi tổng hợp của các loại khí gây ra mùi hôi thối như khí H2S (mùi trứng thối), khí NH3 (mùi khai) ...bốc lên từ hồ chứa nước rỉ rác ảnh hưởng đến khu dân cư.
Với kết quả rõ ràng, trực quan mà 02 đơn vị đánh giá mùi độc lập đã tiến hành đánh giá mùi sau 01 tuần và 03 tuần xử lý ở trên bằng cả 2 phương pháp định tính (cảm quan) và định lượng thì kết quả cho thấy các khí độc gây ra mùi hôi thối bốc lên từ hồ chứa nước rỉ rác đã bị phân hủy tận gốc, nồng độ mùi tổng hợp và cả nồng độ mùi riêng lẻ đã giảm nhiều nhất gần đạt 100% (cụ thể lần lượt là 99,4% và 99,9% (giảm nhiều nhất lên tới hơn 1300 lần)). Đặc biệt, kết quả mùi nền không khí tổng hợp đo tại hiện trường sau 01 tháng xử lý giảm về 1 tức giảm tới 99,7% (trước đó, sau 01 tuần đã giảm 94,2%), đây là chỉ số quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực người dân sinh sống. Cảm quan không còn mùi hôi thối, dự án đã thành công như dự kiến ban đầu của các chuyên gia.
Theo cơ quan chuyên môn và ý kiến của người dân đánh giá thì mùi của bãi rác Nam Sơn chủ yếu là mùi do các ô chứa nước rỉ rác bay lên, và gió lùa vào khu dân cư làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Thời gian qua, Sở Xây dựng Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã vào cuộc hết sức quyết liệt, áp dụng nhiều giải pháp để giảm mùi bốc lên như che phủ bạt HDPE lên các ô chứa nước rác tại bãi rác Nam Sơn với tinh thần trách nhiệm rất cao vì cuộc sống người dân sống gần Khu Liên hợp XLCT Nam Sơn. Tuy nhiên, các giải pháp hiện tại mặc dù cũng đã góp phần giảm được mùi ở một mức độ nhưng vẫn là các giải pháp "nhốt" khí, "trùm kín khí" mà chưa phải là giải pháp phân hủy tận gốc các khí gây ra mùi.
Công nghệ sục khí Nano của Nhật Bản được kỳ vọng là giải pháp sẽ giải quyết tận gốc, triệt để mùi của bãi rác Nam Sơn trong thời gian tới mà không cần sử dụng hóa chất, rất thân thiện với môi trường và đặc biệt là tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Nguyệt Hằng