Tô Lịch sẽ trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh” bằng công nghệ Nhật Bản
Với mong muốn "hồi sinh" sông Tô Lịch, tạo cảnh quan cho địa điểm là chứng tích cho chiều dài lịch sử Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) để xuất xây dựng dòng sông này thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch”.
Liên quan đến hoạt động xử lý cải tạo sông Tô Lịch, ngày 15/9, CTCP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE đã gửi công văn báo cáo tới lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Phối cảnh của một góc của dự án “Công viên Lịch sử-Văn hoá- Tâm linh Tô Lịch”.
Cụ thể, theo các chuyên gia Nhật Bản, để có thể làm “sống lại” và “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: Thu gom nước thải; Cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; Xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; Xử lý tầng bùn đáy; Xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; Thoát nước chống ngập khi mưa bão; Bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; Phát triển du lịch...
Hình ảnh mô phỏng “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch”.
Với mục tiêu “tích cực triển khai công nghệ mới, xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước... ”, JVE đã cùng đối tác là một trong những Tổng thầu lớn nhất Nhật Bản xây dựng đề án “Giải pháp tổng thể” để cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” sử dụng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
"Phạm vi dự án đề xuất không chỉ đơn thuần xử lý môi trường mà còn có nội dung hết sức quan trọng là xây dựng hệ thống cảnh quan “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch”. Đặc biệt là đề xuất xây dựng cả hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch. Hệ thống khổng lồ đặt ngầm bên dưới lòng sông Tô Lịch tương tự như hệ thống chống ngập khổng lồ tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản", ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE cho hay.
Đây sẽ là công trình thể hiện tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Được biết, trong thời gian tới, JVE sẽ tổ chức hội thảo và mời đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về đề án trên.
Nguyệt Hằng