Kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2022

11:00, 29/12/2021

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, dự báo nguồn cung nông sản, thực phẩm tăng mạnh. Mặc dù, nhu cầu trong nước tăng từ 15-20%, tùy từng sản phẩm nhưng khả năng tiêu thụ hết lượng sản phẩm với mức giá cao cũng không dễ dàng do vụ thu hoạch tập trung vào một thời gian ngắn, trong khi xuất khẩu sang thị trường chính Trung Quốc đang gặp rất nhiều trở ngại.

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Ảnh: minh họa

Ngày 25-12, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương của các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức diễn đàn trực tuyến “Kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán”.

Nguồn cung tăng mạnh

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Phạm Văn Duy cho biết: Nguồn cung nông sản dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 hiện tăng cao so cùng kỳ năm ngoái, do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để công tác tiêu thụ đạt hiệu quả cao nhất. Thực tế, tại các địa phương trên cả nước, hầu hết các nông sản đều đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Lê Quốc Điền, tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại hoa quả đặc sản như xoài, quýt, nhãn, mít, chanh cho dịp Tết. Dự kiến, tổng sản lượng trái cây trong tháng 1/2022 khoảng 22.000 tấn; tháng 2/2022 là 35.000 tấn. Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn có nhiều loại rau, củ với sản lượng hơn 3.000 tấn. Những sản phẩm OCOP và sản phẩm chế biến sâu như trà, trái cây sấy…, cũng được đưa ra thị trường với sản lượng lớn. 

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Văn Mấy cho biết: Hiện, tỉnh đang tìm đầu ra cho một số sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực có thế mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, như: 500 tấn mít Thái, 3.000 tấn chuối Nam Mỹ, gần 300 tấn mãng cầu na, 100 tấn dưa lưới, 80 tấn bưởi da xanh, 10 tấn na hoàng hậu. Các sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ có nhiều biến động cho nên tỉnh mong muốn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP, đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, các chủ thể OCOP quảng bá, giao thương trực tiếp với các hệ thống phân phối, siêu thị trên cả nước, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.

Còn tại các tỉnh phía bắc như: Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang…, nhiều loại rau củ đặc sản cũng cho sản lượng lớn dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, cần lên kế hoạch tiêu thụ sớm trong điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến lưu thông tiêu thụ hàng hóa.

Ngoài các sản phẩm trồng trọt, sản phẩm chăn nuôi dự kiến nguồn cung cũng tăng mạnh dịp cuối năm. Theo ông Phan Văn Lục, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, trong những năm qua ngành chăn nuôi gia cầm đã phát triển nhanh chóng (12%/năm). Hiện, số lượng đã vượt 500 triệu con, sản lượng thịt đạt hơn 1,7 triệu tấn/năm. Do đó, dịp Tết Nguyên đán này, nguồn cung không đáng lo ngại nhưng vấn đề tiêu thụ thì cần lên kế hoạch sớm, tránh hiện tượng tồn hàng, mất giá. Hiệp hội đang tổ chức liên kết với 222 cơ sở sản xuất, 74 doanh nghiệp, cơ sở thành viên, bảo đảm sản xuất trứng gia cầm các loại và thịt gia cầm chế biến.

Chủ động kết nối

Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm, đặc biệt là hàng nông đặc sản của người tiêu dùng rất lớn. Tại hầu hết các địa phương, bà con nông dân đã chủ động trong sản xuất, chế biến hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lưu thông cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng qua các kênh truyền thống gặp nhiều khó khăn và còn khó khăn hơn nữa đó là tình trạng ùn ứ số lượng lớn hàng hóa, nông thủy sản tại các cửa khẩu liên thông với thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, tiêu dùng nội địa trong thời điểm hiện nay là hết sức cấp thiết. Đây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố giới thiệu về tiềm năng và năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của địa phương” – ông Hồ nói.

Theo Bộ NN&PTNT nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15-20% tùy từng sản phẩm. Thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất. Do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để công tác tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất.

Điển hình như tại Hà Nội, theo Sở NN&PTNT từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của thành phố tăng từ 10-20%. Ngoài lượng nông sản, thực phẩm do thành phố tự sản xuất, cần một lượng lớn sản phẩm, dự kiến trên 110.000 tấn gạo; 130.000 tấn rau, củ; 112.000 tấn trái cây, 28.000 tấn thủy sản; hơn 12.000 tấn thịt bò; hơn 12.000 tấn thực phẩm chế biến...

Trong khi, hiện nay, nguồn cung của hầu hết các sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu tiêu dùng của trên 10 triệu dân. Hoạt động sản xuất nông nghiệp mới cơ bản đáp ứng nhu cầu các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng. Một số sản phẩm khác như gạo mới đáp ứng được 60%, thịt bò đáp ứng 20%, thực phẩm chế biến 19%, rau củ quả 58%, trái cây 29%, thủy sản 53% so với nhu cầu.

Để có thể tận dụng được cơ hội tiêu thụ từ thị trường trong nước trong dịp Tết nguyên đán theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp như hiện nay, việc bán hàng online vẫn là giải pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp, HTX và người dân vừa tiết kiệm được chi phí vừa quảng bá sản phẩm của mình tới đông đảo người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận lợi.

Tuy nhiên, làm thế nào để kinh doanh nông sản online hiệu quả, chuyên nghiệp không hề đơn giản. Bởi thực tế, tình trạng được mùa rớt giá vẫn xảy ra. Nguyên nhân do chưa làm tốt công tác xúc tiến thương mại, việc tìm kiếm và nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu, mẫu mã sản phẩm và sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ.

Như Ý (T/h)