Kết nối nghiên cứu và thực tiễn: “Chìa khóa” thúc đẩy đổi mới công nghệ xanh
Trong xu hướng phát triển bền vững và chuyển đổi xanh, đổi mới công nghệ là chìa khóa giúp quốc gia và doanh nghiệp phát triển. Tại French Tech Summit 2025, các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm kết nối nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn để thúc đẩy công nghệ xanh phát triển bền vững…
Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững và chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo công nghệ trở thành yếu tố then chốt giúp các quốc gia, doanh nghiệp thích nghi và phát triển. Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra không chỉ là tạo ra công nghệ mới mà còn là làm sao để biến những kết quả nghiên cứu khoa học thành các ứng dụng kinh doanh hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng quốc gia.
Trong khuôn khổ sự kiện French Tech Summit Vietnam 2025 (FTSV 2025), tại phiên thảo luận chủ đề “Gieo mầm cho tương lai: Nuôi dưỡng hệ sinh thái công nghệ xanh phát triển bền vững” các chuyên gia quốc tế và trong nước đã chia sẻ bài học thực tiễn và kinh nghiệm quý giá về việc xây dựng cầu nối giữa nghiên cứu và kinh doanh trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh.
Kết nối nghiên cứu và thực tiễn để thúc đẩy đổi mới "xanh và số"
Nói về yếu tố quyết định giúp xây dựng cầu nối giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tế trong đổi mới công nghệ xanh, ông Armand ALBERGEL, Phó tổng Giám đốc SUEZ Air and Climate, cho rằng nhiều người thường nghĩ rằng chìa khóa thành công nằm ở việc sở hữu công nghệ hiện đại hoặc có nguồn vốn đầu tư dồi dào, bởi thiếu vốn thì rất khó triển khai các ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố này, điều quan trọng không kém là khả năng xây dựng những dữ liệu và mô hình thử nghiệm có tính thực tiễn cao. Điều này giúp các giải pháp công nghệ không chỉ là ý tưởng trên giấy mà được kiểm chứng, điều chỉnh và phù hợp với thực tế.
Ông Armand ALBERGEL cũng nêu bật thực tế rằng đổi mới sáng tạo không phải lúc nào cũng áp dụng đồng nhất được ở mọi quốc gia hay khu vực. Mỗi quốc gia có đặc điểm riêng về môi trường, văn hóa, cơ sở hạ tầng, khiến một giải pháp hiệu quả ở nơi này có thể không phát huy tác dụng hoặc thậm chí gây phản tác dụng ở nơi khác.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực về chất lượng không khí, một công nghệ hay biện pháp được áp dụng thành công tại một thành phố lớn có thể không thích hợp với một quốc gia khác do sự khác biệt về điều kiện môi trường và giao thông.
Mặt khác, theo ông Kazi KABIR, chuyên gia nghiên cứu, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp phục vụ Phát triển Pháp (CIRAD), nhấn mạnh một trong những yếu tố then chốt để cầu nối nghiên cứu và doanh nghiệp phát huy hiệu quả là sự giao tiếp đa tầng giữa tất cả các bên liên quan từ nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đến người tiêu dùng cuối cùng.
“Đổi mới sáng tạo chỉ có ý nghĩa khi nó thực sự thu hút được người dùng cuối, bởi chính họ là những người ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của doanh nghiệp. Đây là điểm khởi đầu quan trọng để các giải pháp công nghệ có thể đi vào thực tế và tạo ra giá trị”, ông Kazi KABIR nhận định.
Tuy nhiên, thách thức lớn đối với các công nghệ xanh là tính khả thi về tài chính. Ông Kazi phân tích mặc dù các công nghệ xanh thường rất hiệu quả về mặt kỹ thuật, nhưng nhiều khi lại khó tiếp cận do chi phí cao hoặc mô hình tài chính chưa phù hợp.
Do đó, để xây dựng cầu nối thành công giữa nghiên cứu và ứng dụng, các giải pháp công nghệ xanh cần phải cân bằng giữa tính khả thi về mặt kỹ thuật và chi phí, nhằm đảm bảo không chỉ được biết đến mà còn được áp dụng rộng rãi trong thực tế.
Bên cạnh đó, công nghệ xanh còn phải thể hiện rõ ràng và cụ thể các lợi ích thiết thực, tránh để doanh nghiệp và người dùng cuối cảm thấy lợi ích quá mơ hồ hoặc khó hình dung, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự chấp nhận và triển khai.
Các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi trong phiên thảo luận chủ đề “Gieo mầm cho tương lai: Nuôi dưỡng hệ sinh thái công nghệ xanh phát triển bền vững”
Tạo nền tảng vững chắc cho công nghệ xanh bằng chính sách phù hợp
Từ góc độ thể chế và chính sách, PGS.TS Trần Phương Trà, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ chính sách công và hợp tác quốc tế, Audencia Bussiness School (Pháp); Giám đốc Mạng lưới Chính sách kinh tế, AVSE Global, lưu ý một hệ thống chính sách hiệu quả cần bắt đầu từ việc xác định mục tiêu rõ ràng và cụ thể.
Ví dụ, cả Việt Nam và Pháp đều đã đặt ra mục tiêu cắt giảm khí nhà kính (GHG), tuy nhiên thách thức lớn hơn là làm sao để biến các mục tiêu đó thành hiện thực. Một trong những điểm khác biệtchính là hệ thống phân loại các giải pháp công nghệ và sản phẩm liên quan đến chuyển đổi xanh.
Trong khi các nước châu Âu như tại Pháp, đã xây dựng hệ thống phân loại rất bài bản và minh bạch, thì ở Việt Nam, khung phân loại này vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, mang đến cơ hội để Việt Nam học hỏi và phát triển một hệ thống phù hợp với điều kiện đặc thù của mình.
Bên cạnh đó, vai trò của các chính sách thử nghiệm (sandbox) mà Việt Nam đang tích cực thúc đẩy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới trong môi trường thực tế. Với dân số trẻ, năng động và yêu thích công nghệ, Việt Nam có tiềm năng trở thành “thị trường thử nghiệm” lý tưởng cho các công nghệ xanh trước khi được nhân rộng quy mô trên toàn quốc.
Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp và startup đến tham dự, trao đổi thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Theo ông Maxime RAMARD, Giám đốc Khu vực miền Nam Việt Nam, ADEN, với cam kết mạnh mẽ trong việc đạt mục tiêu phát triển bền vững và các lĩnh vực năng lượng vào năm 2050, Việt Nam đã hợp tác với các tổ chức quốc tế như Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) để phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió với quy mô đa dạng từ nhỏ đến lớn.
Tuy nhiên, ông Maxime RAMARD cũng thừa nhận rằng Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt với một "bài toán" khó trong việc làm sao để kiểm soát tiêu thụ năng lượng một cách hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc áp dụng các biện pháp xử phạt đối với các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng vượt mức có thể gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đòi hỏi sự cân nhắc thận trọng và thời gian để tìm ra giải pháp phù hợp.
Theo PGS.TS Trần Phương Trà, để vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ xanh vừa đáp ứng áp lực tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, Việt Nam có thể tham khảo mô hình “3E” do Ngân hàng Thế giới đề xuất, bao gồm ba giai đoạn: Đầu tư (Investment); Thâm nhập (Infusion) và Đổi mới (Innovation).
“Việt Nam đã làm rất tốt ở giai đoạn đầu tiên khi thu hút đầu tư và hiện nay cần tập trung chuyển sang giai đoạn thứ hai đưa công nghệ vào sâu trong nền kinh tế, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo nội sinh. Một trong những cách để làm điều đó, ngoài thay đổi tư duy và phát triển nguồn nhân lực, là tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận và sử dụng các công nghệ”, PGS.TS Trần Phương Trà cho biết.