Khai giảng trực tuyến lớp “Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về CNTT&TT” cho Giám đốc các Sở TT&TT

14:16, 22/09/2020

Sáng 22/09/2020, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Lễ Khai giảng trực tuyến lớp "Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về Công nghệ thông tin và truyền thông" cho Giám đốc các Sở TT&TT. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì buổi lễ. Cùng dự buổi lễ có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các đồng chí Giám đốc Sở TT&TT tại các điểm cầu.

Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại Lễ Khai giảng trực tuyến lớp "Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về Công nghệ thông tin và truyền thông"

Phát biểu khai giảng lớp Bồi dưỡng, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết trong 2 năm trở lại đây, phạm vi cũng như nội hàm quản lý nhà nước của lĩnh vực TT&TT đã được làm rõ thêm, sâu sắc thêm, mở rộng thêm, được xã hội thừa nhận và ủng hộ, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, được đưa nhiều vào trong các văn kiện chuẩn bị trình Đại hội Đảng các cấp và đặc biệt trong Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Cho đến nay tên lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) vẫn là thông tin và truyền thông nhưng không chỉ là những chuyên ngành truyền thống quen thuộc trong nhận thức của cả xã hội. Lĩnh vực QLNN của chúng ta hiện nay bao gồm 6 lĩnh vực QLNN chuyên ngành với những nét đặc trưng của thời đại, đó là:

1- Bưu chính: Là hạ tầng chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử.

2- Viễn thông: Là hạ tầng kết nối cho nền kinh tế số.

3- Công nghệ thông tin: Là chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, thành phố thông minh.

4- An toàn, an ninh mạng: Là tạo ra một không gian mạng an toàn nhằm thúc đẩy một xã hội số.

5- Công nghiệp ICT: Là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao; là công nghiệp sản xuất phần mềm, công nghiệp sản xuất phần cứng, công nghiệp điện tử-viễn thông, công nghiệp ứng dụng CNTT, công nghiệp nội dung số, công nghiệp an ninh mạng, công nghiệp sản xuất thiết bị Internet vạn vật, phát triển và ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0. Lĩnh vực ICT của Bộ là nền tảng để thúc đẩy kinh tế số, CMCN 4.0 ở Việt Nam. Việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao trong đó cơ bản là các doanh nghiệp ICT, với trên 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động và tạo ra doanh thu hàng năm gần 100 tỷ USD.

6- Báo chí, truyền thông: Là báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại. Lĩnh vực báo chí, truyền thông phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. Để thực hiện các định hướng trên, Bộ đang tập trung mọi nguồn lực và bộ máy từ trung ương đến các Sở để tổ chức thực hiện.

Với những nội dung quan trọng như trên, Sở TT&TT tại các địa phương có vai trò vô cùng quan trọng tạo sự thông suốt trong chỉ đạo, thực hiện từ trung ương đến địa phương, đưa các chủ trương chính sách vào thực tế cuộc sống, huy động, động viên, khích lệ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn hưởng ứng tham gia,...

Cũng theo Thứ trưởng Phan Tâm: Số lượng các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước như trên là khá nhiều, nhiều lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm có sự vận động nhanh, phát triển liên tục, mang tính công nghệ cao, rất khác với tính chất, đặc thù của các Sở, ngành khác, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức của các Sở TT&TT cũng phải đổi mới, nâng tầm theo kịp với sự đổi mới của Ngành, lĩnh vực, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới, đáp ứng với kỳ vọng và sự trông đợi của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các địa phương. Trong văn kiện trình Đại hội Đảng bộ đa số các Tỉnh đều đã đưa nhiều nội dung về chuyển đổi số, doanh nghiệp công nghệ số,....và đều có kế hoạch ban hành các Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số. Tất cả đều trông cậy vào sự tham mưu của các Sở TT&TT.

Khóa học này được thiết kế để chuyển tải đến các Giám đốc Sở TT&TT những nội dung mới về QLNN lĩnh vực TT&TT, những kỹ năng cần thiết về các lĩnh vực Công nghiệp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chính phủ điện tử, chính phủ số, đô thị thông minh, An toàn an ninh thông tin, viễn thông công ích.… Mục tiêu là để giúp các đồng chí lãnh đạo Sở có thêm kiến thức, kỹ năng mới, giúp các đồng chí tự tin lãnh đạo tập thể cán bộ, công nhân viên chức của Sở nâng cao vai trò, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, để Sở chứng minh được vai trò vô cùng quan trọng của mình trong sự phát triển của địa phương: tư tưởng để tạo ra sự đồng thuận, ổn định xã hội và công nghệ số để tạo ra sự phát triển đột phá.

Lãnh đạo Bộ TT&TT tin tưởng với vai trò của người đứng đầu, các đồng chí Giám đốc Sở sẽ đi đầu, gương mẫu trong việc học tập, nghiên cứu các tri thức mới, các kỹ năng mới được các đồng chí Cục trưởng, Vụ trưởng, các chuyên gia có kinh nghiệm thực tế,... chia sẻ trong khoá học này.

Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng rất tin tưởng các đồng chí Giám đốc Sở đều sẽ trở thành các Giám đốc Sở xuất sắc, nổi trội trong số các Giám đốc Sở của các tỉnh. Sở TT&TT đang đứng trước cơ hội thể hiện được vai trò không thể thay thế của mình trong sự phát triển của tỉnh. Và điều này phụ thuộc vào sự dẫn dắt, chỉ đạo, lãnh đạo của người đứng đầu là các đồng chí Giám đốc Sở.

20200922-m02.jpg

Quang cảnh Lễ Khai giảng trực tuyến lớp "Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về Công nghệ thông tin và truyền thông"

Những việc Sở TT&TT cần làm để thay đổi vị trí, vai trò của mình

Cũng tại Lễ Khai giảng, Thứ trưởng đã nêu một số nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về một số việc Sở TT&TT có thể và cần làm để thay đổi vị trí, vai trò của mình trong thời gian tới:

Về Bưu chính: Phát triển Thương mại điện tử, giao nhận hàng hoá tại nhà; Hợp tác với tỉnh cung cấp dịch vụ công.

Về Viễn thông: Mỗi người một điện thoại thông minh; Ngầm hoá, treo lại cáp để tăng mỹ quan, an toàn đô thị; Cầu truyền hình trực tuyến về đến cấp xã; Nhắn tin quảng bá để truyền đi thông điệp của người đứng đầu tỉnh đến từng người dân; Giải quyết vấn nạn sim rác; Thanh toán điện tử bằng tài khoản viễn thông.

Về CNTT, đó là: Chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp 4; Phát triển ứng dụng học lý luận chính trị trên Smartphone; Quản lý đất đai, dân số bằng CNTT; Xây dựng thành phố thông minh; Nông nghiệp công nghệ cao.

Về an toàn thông tin: Quản lý mạng xã hội, giải quyết vấn nạn Fake news; Phòng chống mã độc, không để tin tặc tấn công doanh nghiệp, chính quyền.

Về công nghiệp ICT: Phát triển các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ tại tỉnh; Kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các khu CNTT tập trung của tỉnh; phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn, tích hợp hệ thống; Phát triển các doanh nghiệp nội dung số của tỉnh.

Về báo chí, truyền thông: Qui hoạch lại các báo, đài; Quản lý phóng viên của các báo đài TW tại tỉnh; Bảo vệ doanh nghiệp, chính quyền khỏi tin sai sự thật; Phát triển, hiện đại hoá hệ thống thông tin cơ sở; Đưa hình ảnh của tỉnh ra đất nước và quốc tế.

Các hệ thống CNTT của Bộ, như Trung tâm quốc gia về giám sát an toàn không gian mạng, hệ thống lưu chiểu nội dung báo chí, hệ thống quản lý phóng viên toàn quốc, các kiến thức mới về chính phủ điện tử, CMCN 4.0, TP thông minh sẽ được chia sẻ với Sở. Các dự án CNTT phức tạp sẽ được Bộ tư vấn. Phải dựa vào các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn. Giai đoạn đầu của các dự án CNTT, có thể yêu cầu các doanh nghiệp hỗ trợ, làm thí điểm qui mô nhỏ để chứng minh hiệu quả.

 

Chương trình bồi dưỡng gồm hai phần chính:

- Phần thứ nhất: Tổng quan quản lý nhà nước về thông tin và tryền thông, bao gồm 04 chuyên đề.     

- Phần thứ hai: Kiến thức về công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm 03 học phần với 20 chuyên đề.

Tổng thời gian bồi dưỡng của chương trình là 160 tiết. Bao gồm 24 chuyên đề về kiến thức và kỹ năng. Trong đó 72 tiết lý thuyết và 72 tiết thảo luận, thực hành; 8 tiết đi nghiên cứu thực tế và 8 tiết viết báo cáo thu hoạch cuối khóa.

Tỷ lệ phân bổ thời gian giữa số tiết lý thuyết và số tiết thực hành/ thảo luận là 50/50%.

Theo mic.gov.vn