Khai mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021
Chiều 12/11, tại trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội đã diễn ra Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội giảng, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Ban tổ chức, của đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng sâu vùng xa đã vượt qua mọi khó khăn để triển khai dạy học trực tuyến và tham gia Hội giảng toàn quốc.
Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu khai mạc Hội giảng.
Ông Dũng nhấn mạnh: "Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 tổ chức theo hình thức trực tuyến là một minh chứng sinh động của chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Ban tổ chức Hội giảng đã nỗ lực, sáng tạo để chuyển đổi, tạo điều kiện để không đứt gãy các hoạt động rèn luyện và tôn vinh nhà giáo.
Hội giảng truyền đi thông điệp "Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Đổi mới - Sáng tạo - Thích ứng - Hội nhập, nhân tố quyết định nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam".
Toàn cảnh của lễ khai mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021.
Các vị đại biểu cùng các thầy cô giáo tại các đầu cầu làm lễ chào cờ trước buổi khai mạc (Ảnh: Văn Hiền).
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, yêu cầu đối với nhà giáo ngày một cao hơn. Điều đó đòi hỏi nhà giáo phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực tiễn nghề nghiệp trong từng tiết giảng.
Để duy trì hoạt động đào tạo nhằm thích ứng với đại dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chuyển đổi từ hình thức đào tạo trực tiếp sang trực tuyến và nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có vai trò dẫn dắt, thực hiện quá trình chuyển đổi này.
Thứ trưởng cũng mong muốn: "Hội giảng năm nay không chỉ dừng lại ở những thành tích đạt được trong khuôn khổ Hội giảng mà cần phải tiếp tục được phát huy, nhân rộng các bài giảng điển hình, tạo sức lan tỏa trong toàn ngành, góp phần thực hiện thành công chủ trương "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".
Bà Nguyễn Thị Việt Hương (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng) đã báo cáo về công tác chuẩn bị hội giảng năm 2021.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng.
Bà Hương cho biết: "Trong bối cảnh năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với 3 đột phá chiến lược, trong đó có chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện tinh thần Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia. Có thể thấy, yêu cầu đặt ra về nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn này là cấp thiết, đòi hỏi nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của người thầy, nhất là người thầy của hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải là trọng tâm ưu tiên".
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 sẽ chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. Hội giảng sẽ có 404 nhà giáo GDNN trên cả nước sẽ tham gia so tài.
Kết quả ban đầu được bà Hương cho hay: "Trong nhóm hoạt động trình giảng có 404 nhà giáo của 55 đoàn địa phương và 6 bộ ngành tham gia. Hội giảng diễn ra liên tục trong 4 ngày và có 4040 lượt bài sẽ được đọc, 1212 lượt bài sẽ được chấm.
Triển lãm số gồm 35 gian hàng, một hội thảo quốc tế do ba bên chủ trì (gồm: Bộ Lao động Xã hội và Thương binh, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ OIF, Tổ chức quốc tế giáo dục hỗ trợ nghề nghiệp GIZ) và một tọa đàm quốc tế song phương và đa phương".
Các đại biểu cùng thực hiện nghi thức chuyển đổi trên môi trường số truyền tải thông điệp: "Đổi mới - Sáng tạo - Thích ứng - Hội nhập".
Đại diện cho hơn 100 giám khảo từ điểm cầu Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định phát biểu tuyên thệ.
Thầy Lê Tùng Lâm, giảng viên Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội thay mặt các nhà giáo phát biểu ý kiến.
Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tặng hoa cho ban tổ chức, đơn vị đăng cai, hội đồng giám khảo, nhà giáo dự thi.
55 điểm cầu chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức Hội giảng.
Theo/dantri.com.vn