Khám phá hình thức mai táng độc đáo của người Việt cổ
Việc phát hiện mộ thuyền ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó không chỉ là nguồn tài liệu quý giá để nghiên cứu về táng tục và táng thức của cư dân Đông Sơn, mà còn là cơ sở để nghiên cứu về lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội Đông Sơn, về mối quan hệ văn hóa giữa khu vực Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc, hay về các ngành nghề thủ công truyền thống.
Cuộc sống sinh hoạt người Việt cổ luôn là một dấu hỏi lớn với các nhà nghiên cứu khảo cổ học, trong số những bí ẩn đó có cả những thắc mắc về tục mai táng.
Trong nhiều năm qua, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều ngôi mộ cổ làm từ thân cây khoét rỗng, có hình dáng như một chiếc thuyền độc mộc với một đầu to, một đầu nhỏ. Quan tài có tiết diện hình tròn, gồm có phần thân và phần nắp, dài khoảng 4,76 m, cao khoảng 0,6 m. Mặt trong của quan tài được khoét rất đều và đẹp, nhưng mặt bên ngoài chỉ được bóc lớp vỏ cây chứ không có vết chế tác. Theo tìm hiểu, được biết, tập tục này được gọi là Mộ thuyền.
Hình thức mai táng này khá phổ biến ở thời người Việt cổ. Cho đến nay, đã hàng vài chục ngôi được khai quật, nghiên cứu, với những khu mộ nổi tiếng như Việt Khê (Hải Phòng), Châu Can, Xuân La (Hà Sơn Bình)... Hầu hết, chúng đều nằm ở ven biển hoặc đồng bằng ô trũng Bắc Bộ. Gần đây, với phát hiện ở ven biển Nghệ Tĩnh, diện phân bố của chúng được đẩy xa xuống phía Nam nước ta, niên đại của chúng cũng được kéo dài đến tận thế kỷ 13 – 14.
Cổng thông tin Quảng Ninh cho biết, theo hồ sơ lưu trữ tại Bảo tàng, vào năm 1991, trong quá trình thi công đập Vành Kiệu thuộc xã (nay là phường) Phương Nam (Uông Bí), những công nhân thuỷ lợi đã phát hiện ra một số quan tài hình thuyền ở dưới độ sâu 2,5m-3,5m. Các mộ thuyền này phân bố rải rác trên cánh đồng Cầu Đen, gần cửa cảng Bạch Thái Bưởi.
Đến cuối năm 1992, khi thi công đập Vành Kiệu sang xã Phương Đông, các công nhân tiếp tục phát hiện một mộ thuyền, cách khu mộ thuyền Phương Nam chừng 2km dưới độ sâu khoảng 2m. Sở dĩ các nhà khoa học gọi là mộ thuyền bởi những quan tài này là hai nửa của một thân cây khoét rỗng ghép lại, hai đầu của tấm địa có tay khiêng, bốn góc quan tài có lỗ chốt, bên ngoài được đẽo gia công hoặc để nguyên. Khi chôn xuống bùn, người xưa dùng cọc đóng cố định quan tài thuyền xuống 4 góc. Tất cả các mộ thuyền được phát hiện ở Phương Nam, Phương Đông xưa đều là những vùng sình lầy, ngập nước.
Trước đó vào năm 1961 đã phát hiện 05 ngôi mộ thuyền tại một cánh đồng ven sông Hàn, thuộc thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trong 5 ngôi mộ, mộ Việt Khê là quý giá nhất bởi còn khá nguyên vẹn và có nhiều đồ tùy táng, với hơn 100 hiện vật chôn theo. Đây là ngôi mộ thuyền lớn nhất của văn hóa Đông Sơn, làm từ thân cây khoét rỗng, có hình dáng như một chiếc thuyền độc mộc với một đầu to, một đầu nhỏ. Quan tài có tiết diện hình tròn, gồm có phần thân và phần nắp, dài khoảng 4,76 m, cao khoảng 0,6 m. Mặt trong của quan tài được khoét rất đều và đẹp, nhưng mặt bên ngoài chỉ được bóc lớp vỏ cây chứ không có vết chế tác.
Trong số các mộ thuyền được phát hiện ở Quảng Ninh, hiện chỉ có 1 mộ thuyền- là mộ thuyền lớn nhất và tương đối nguyên vẹn. Chiều dài tấm thiên và tấm địa đo được: dài 2,85m, rộng 0,48m, sâu lòng 0,41m. Trên tấm địa mỗi đầu có hai tay khiêng dài 0,20m, đủ để cho người bám tay vào để khiêng quan tài. Mộ thuyền này lưu giữ một bộ hài cốt của người đàn ông gồm:xương sọ (thiếu hàm dưới), 2 xương đùi, 1 mảnh xương chậu, 2 đốt sống và một số mẩu xương sườn, xương ống chân.Đây cũng là ngôi mộ thuyền có nhiều đồ tùy táng chôn theo:1 miếng giáp, 2 vòng tay, 1 sanh, 4 rìu, 1 giáo nhỏ bằng đồng, 1 lõi vòng bằng đá ngọc granit màu trắng ngà và một cuộn dây gai.
PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học - một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu mộ thuyền cho rằng mộ thuyền là hình thức chôn cất độc đáo của nhóm người Việt cổ thời Văn hoá Đông Sơn - giai đoạn rực rỡ của thời đại Hùng Vương chuyên khai phá vùng đất trũng của đồng bằng Bắc Bộ và cửa biển. Người Đông Sơn cho rằng cái chết chấm dứt cuộc sống ở thế giới bên này, mở ra cuộc sống ở thế giới bên kia. Vì thế, người chết được chôn cùng đủ ba loại đồ vật: sinh hoạt, công cụ sản xuất và vũ khí.
Hiện mộ thuyền này được trưng bày tại không gian Tầng 2 (không giantrưng bày với chủ đề Quảng Ninh trong thời kỳ tiền - sơ sử và kỷ nguyên Đại Việt được thiết kế độc đáo theo hình dáng con thuyền khổng lồ, tượng trưng cho nền văn hóa biển một nền văn hóa đặc trưng của vùng đất Quảng Ninh) - Bảo tàng Quảng Ninh;
Các mộ thuyền còn lại kích cỡ nhỏ hơn, không còn cốt và đồ tuỳ táng. Do được chôn sâu dưới đất sình lầy, có nhiều khí mê-tan, các vi khuẩn không xâm hại được nên các mộ thuyền đã tồn tại qua hơn 2.500 năm. Khi đưa lên khỏi mặt đất, thoát khỏi môi trường yếm khí, các quan tài này đã nhanh chóng nứt vỡ.
Mộ thuyền được phát hiện trong quá trình thi công đập Vành Kiệu thuộc xã (nay là phường) Phương Nam (Uông Bí) năm 1991; Di cốt và đồ tuỳ táng chôn theo trong mộ thuyền lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.
Trước đấy, PGS Trịnh Sinh cũng cho rằng tục chôn nguyên xác trong quan tài hình thuyền của người Việt là một trong những nghi thức chôn cất độc đáo của tộc người khai phá vùng đất trũng. Cuộc sống vừa làm nông vừa gắn bó với sông nước cho thấy họ từng bước vươn lên đầy gian lao. Câu tục ngữ "sống ngâm da, chết ngâm xương" rất đúng với người Châu Can. Và vì thế, cuộc sống ở thế giới bên kia của họ cũng phải có mặt hình bóng chiếc thuyền được hình tượng hóa bằng những mộ thuyền là thân cây khoét rỗng. Khi chôn cất, vì ở khu đất còn lầy lội, những mộ thuyền được "neo" lại dưới huyệt đất bằng những cây cọc ghìm cắm hai bên.
Từ những ngôi mộ thuyền cũng có thể hình dung phần nào bối cảnh cuộc sống thời đó. Kích thước mộ thuyền lớn nhất cho thấy chủ nhân của ngôi mộ là người giàu có. Từ đây có thể suy ra xã hội của người Việt cổ đã có sự phân hóa giàu - nghèo. PGS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho rằng mộ Việt Khê đã cho thấy có sự phân hóa xã hội trong thời Đông Sơn dẫn tới hình thành các tầng lớp xã hội khác nhau. Sự phát triển ở giai đoạn sau của văn hóa này đã đạt tới mức hình thành các giai cấp đầu tiên trong xã hội.
Một số hiện vật là vũ khí bằng đồng trong các ngôi mộ cổ cũng cho thấy thời kỳ này đã có sự xung đột giữa các bộ lạc. Các nhạc khí như trống đồng, lục lạc, chuông đồng... thể hiện sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt cổ đã phát triển đến thời thịnh vượng mà đỉnh cao là nghệ thuật đúc trống đồng. Các hiện vật khác như đục đồng, rìu đồng... thể hiện trình độ thủ công, chế tác của người xưa đã có tiến bộ mới và trở thành công cụ chính trong hoạt động sản xuất.
Thiên Thanh (t/h)