Khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trong dòng chảy văn hóa nhân loại

11:11, 03/01/2024

Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 năm 2024, Quốc hội dự kiến thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật lần này nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển văn hóa của đất nước nói chung, bảo vệ và phát huy giá trị di sản nói riêng, phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại, với những quan điểm, tư tưởng mới.

Theo PGS TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong lần sửa đổi Luật lần này cần phải lồng ghép, kết nối giữa hai Công ước của UNESCO về văn hóa là Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) và Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005).

Khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trong dòng chảy văn hóa nhân loại- Ảnh 1.

PGS TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

"Tôi rất mong muốn trong Luật Di sản văn hóa, khi chúng ta xây dựng thì có sự kết nối tinh thần của Công ước 2003 và việc xác định chủ quyền quốc gia về văn hóa trong Công ước 2005. Việc xác định chủ quyền văn hóa thông qua việc bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể được thể hiện qua những chính sách nào? Tôi nghĩ đó cũng chính là những cái mới Luật Di sản văn hóa cũng có thể đưa ra.

Thứ hai, chúng ta bảo vệ các di sản công nghiệp, di sản đô thị thì chúng ta tôn vinh, giữ gìn những giá trị văn hóa phi vật thể ở trong các loại hình di sản này như thế nào? Tôi nghĩ rằng cần đưa vào Luật Di sản văn hóa những khai niệm mới là di sản công nghiệp, di sản đô thị và những tinh thần liên quan đến giá trị phi vật trong những di sản này.

Thứ ba, Công ước 2003 đã có bộ quy tắc đạo đức của những người thực hành trong lĩnh vực di sản văn hóa. Khi chúng ta xây dựng Luật Di sản văn hóa thì bộ quy tắc đạo đức này phải được thể hiện một cách rõ ràng hơn nữa. Điều này không chỉ giúp bảo vệ di sản văn hóa mà còn khuyền khích các ngành du lịch văn hóa phát triển một cách bền vững".

Khi chúng ta sửa đổi Luật Di sản văn hóa thì phải đề cao sự kết nối những quan điểm tiên tiến, cấp tiến, mới nhất của UNESCO. Từ đó, Luật sửa đổi mới cập nhật được các xu thế của thế giới, thậm chí có thể trở thành một tấm gương tốt, hình mẫu điển hình để cho chúng ta dẫn dắt sự phát triển di sản văn hóa trên thế giới và giúp chúng ta tự hào hơn, khẳng định những giá trị văn hóa của Việt Nam trong dòng chảy chung của văn hóa nhân loại.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://media.chinhphu.vn/khang-dinh-gia-tri-van-hoa-viet-nam-trong-dong-chay-van-hoa-nhan-loai-102240103092833573.htm