Khi các thương hiệu hàng xa xỉ tận dụng trí tuệ nhân tạo AI
Ngành hàng xa xỉ vốn phát triển mạnh nhờ vào sự quan tâm của cá nhân, họ tạo sở thích bằng chính các sản phẩm có giá trị về chất lượng lẫn thương hiệu. Tuy nhiên, bối cảnh bùng nổ Trí tuệ nhân tạo (AI), các thương hiệu đã không đứng ngoài cuộc, họ đang tận dụng AI để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Các thương hiệu hàng xa xỉ đang tận dụng AI để gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Ảnh: Shutterstock.
Trí tuệ nhân tạo AI đang tạo nên kỷ nguyên đổi mới trong nhiều ngành công nghiệp, và các doanh nghiệp hàng xa xỉ cũng đang nỗ lực đẩy mạnh tích hợp khả năng AI vào sản phẩm củ họ.
Thực tế, trong vòng 3 năm qua, các thương hiệu hàng xa xỉ đã đầu tư hơn 360 triệu USD vào AI. Báo cáo mới đây của GlobalData, cho biết: "Ngay cả ngành hàng xa xỉ, vốn phát triển mạnh nhờ vào sự quan tâm cá nhân, cũng đang chuẩn bị tận dụng AI".
Theo nền tảng Technology Foresights của GlobalData, ngành hàng xa xỉ đã thúc đẩy đáng kể các khoản đầu tư vào AI, vượt qua con số 360 triệu USD trong ba năm qua, tăng đáng kể 79% so với các giai đoạn trước.
Nhấn mạnh sự tập trung của ngành hàng xa xỉ vào tính cá nhân hoá, Giám đốc thực hành Sản phẩm đổi mới tại GlobalData, ông Sourabh Nyalkalkar, cho rằng “những đổi mới này, chẳng hạn như hệ thống đề xuất mỹ phẩm hỗ trợ AI và các công cụ đo cơ thể, nhằm mục đích tăng cường tính cá nhân trong các sản phẩm của họ”.
"Các hệ thống khuyến nghị mỹ phẩm được thiết kế để xem xét nhiều đặc điểm của người dùng, cả sinh học và phi sinh học, để gợi ý những sản phẩm tốt nhất", ông Nyalkalkar chia sẻ và cho biết thêm, rằng "trong khi đó, các công cụ đo cơ thể dựa trên AI xác định loại cơ thể của người dùng theo cách ít xâm lấn nhất để đảm bảo sản phẩm phù hợp nhất".
Chẳng hạn, thương hiệu Chanel đang tiên phong trong hệ thống đề xuất trang điểm phân tích hình ảnh do người dùng chọn để gợi ý các sản phẩm phù hợp nhất. Tương tự, Sephora, thuộc Tập đoàn LVMH, đang phát triển hệ thống phân tích da đánh giá tông màu da và các đặc điểm để đề xuất mỹ phẩm phù hợp.
Thương hiệu Estée Lauder gần đây cũng đã đầu tư vào Kiki World, một công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ sử dụng công nghệ Web3 để đồng sáng tạo các sản phẩm cá nhân hóa với người tiêu dùng.
Gần đây nhất, Cartier cũng đã hợp tác với Snap để giới thiệu công nghệ AI và AR, việc trang bị các công nghệ mới dựa trên AI này sẽ cho phép khách hàng thử đồ trang sức trực tuyến trước khi họ quyết định xuống tiền mua sản phẩm.
Theo ông Nyalkalkar, sự phát triển này nhấn mạnh tầm quan trọng của AI và các công nghệ khác trong việc chuyển đổi ngành công nghiệp xa xỉ.
Ngoài ra, “hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển, đặc biệt là ở các nước châu Á, đang tập trung vào các phương pháp tiếp cận thông minh và kỹ thuật số đối với thời trang, mà ngành công nghiệp hàng xa xỉ nên bắt đầu áp dụng”, ông Nyalkalkar chia sẻ.
Theo Tạp chí Thương trường