Khi nhà mạng mạnh tay

10:00, 14/04/2013

Tệ nạn tin nhắn rác đã được người dùng, các phương tiện truyền thông phản ánh dày đặc. Từ năm 2012 trở về sau, các nhà mạng mới có những biện pháp “mạnh tay” để trừ khử, mật độ tin nhắn rác phát tán có giảm nhưng để triệt tiêu tận gốc, theo nhiều nhà mạng: đó là nhiệm vụ bất khả thi. Liệu có đúng như thế?

Cuộc chiến chống tin nhắn rác: nhiệm vụ bất khả thi?


Đầu tháng 3.2013, thanh tra bộ Thông tin và truyền thông đã phạt bốn nhà cung cấp dịch vụ nội dung (content provide – CP): Tinh Vân Telecom (với số tiền phạt là 683 triệu đồng) với các hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn sai cú pháp và ba công ty liên kết gồm Hà Thành, E-Way và Lạc Hồng (số tiền phạt hơn 1 tỉ đồng) do hành vi phát tán tin nhắn rác với các mục đích lừa đảo, đồi trụy…

Dằn mặt đối tác

Trước sức ép của người tiêu dùng, trong những tháng đầu năm 2013, lần đầu tiên các nhà mạng thẳng tay với các CP và những thuê bao tham gia phát tán tin nhắn rác. Ông Đinh Việt Hưng, trưởng phòng giá cả tiếp thị Mobifone cho biết, trong ngày 12.3.2013, nhà mạng đã khóa đầu số dịch vụ của 18 CP có liên quan phát tán tin nhắn rác.

Ông Nguyễn Việt Dũng, phó giám đốc Viettel Telecom công bố: trong tháng 1 và tháng 2.2013, sau khi rà soát gần 1 triệu câu lệnh của gần 800 CP của hàng trăm đầu số khác nhau, Viettel Telecom đã khóa 16 đầu số vì đã vi phạm những cam kết trong việc thực hiện những nội dung với nhà mạng. Mạnh tay hơn, từ phản ánh của khách hàng và các biện pháp kỹ thuật, Viettel cũng đã khóa 200.000 thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác.

Với nhà mạng Vinaphone, theo phó phòng kinh doanh Nguyễn Sơn Hải, tính đến nay, nhà mạng đã phạt bằng những hình thức như khóa cú pháp nhắn tin, cắt hợp đồng với trên 100 CP vì đã vi phạm những nguyên tắc có trong hợp đồng liên quan đến việc phát tán tin nhắn rác.

Ông Đinh Việt Hưng của Mobifone cũng xác nhận doanh thu từ tin nhắn rác không đáng kể vì người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn trong việc lựa chọn những nội dung cần thiết cho chiếc điện thoại di động của mình, nên việc tuyên chiến với tin nhắn rác là điều nhà mạng cần phải làm để trả lại môi trường “trong sạch” cho khách hàng.

Tiền kiểm và hậu kiểm

Từ tháng 1.2013, Viettel áp dụng hệ thống kiểm soát dịch vụ các CP đến từng cú pháp, nội dung có liên quan đến tin nhắn trước khi ký hợp đồng với các CP. Khi thực hiện giải pháp này, theo nguồn tin từ Viettel, nhiều CP đã không ký hợp đồng vì “hết đường làm ăn”. Phó giám đốc Viettel Telecom Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm: “Trong trường hợp CP cố tình mời chào khách hàng sử dụng dịch vụ, sử dụng dạng tin nhắn không đúng với cam kết trong hợp đồng, chúng tôi sẽ không đối soát doanh thu với CP đó, đồng thời xử phạt bằng tiền hoặc thu hồi đầu số”. Với những thuê bao tham gia nhắn tin rác, căn cứ theo tần suất gởi quá quy định, hệ thống theo dõi của Viettel sẽ phát hiện và ngăn chặn.

Mobifone và Vinaphone cũng đã triển khai các biện pháp kỹ thuật tiền kiểm như ngăn chặn hoàn toàn tin nhắn rác được gửi từ các tổng đài nước ngoài; đưa vào hoạt động hệ thống phát hiện, ngăn chặn và khóa những tin nhắn từ các số thuê bao gửi tin với tần suất cao trước khi tin đó gửi tới khách hàng. Với Vinaphone, những tin nhắn có cùng nội dung, trước khi đến được các thuê bao nhận sẽ được các chuyên gia kỹ thuật kiểm định nội dung.

Về các giải pháp hậu kiểm, cùng với việc thực hiện quy định SIM đang bán trên thị trường hoặc chưa hòa mạng không có tài khoản, các nhà mạng đang xem xét lại khuyến mãi tin nhắn nội mạng. Trước đây, để phát triển thuê bao cùng chung mạng, các nhà mạng đã ưu đãi các thuê bao khi nhắn tin nội mạng từ 350 đồng/tin còn lại 100 đồng/tin. Chính ưu đãi này đã dẫn đường cho những thuê bao phát tán tin nhắn rác đến các thuê bao cùng mạng. “Chúng tôi đang xem xét ưu đãi này”, ông Hải của Vinaphone cho biết.

Bên cạnh những giải pháp kỹ thuật, kinh doanh, các nhà mạng còn kêu gọi sự hợp tác từ khách hàng trong việc chung tay loại trừ tin nhắn rác. “Chúng tôi mong muốn khách hàng phản ánh kịp thời những hiện tượng tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung phản cảm tới tổng đài chăm sóc khách hàng để Mobifone có biện pháp ngăn chặn kịp thời”, ông Hưng nói.

Hiện nay các nhà mạng đã đầu tư các tổng đài tiếp nhận ý kiến khách hàng về dịch vụ: Mobifone có đầu số 18001090, Viettel có 18008119, Vinaphone có 9191 hoặc 18001091, Gmobile có 199 hoặc 01998880199, Vietnamobile có đầu số 123 hoặc 0922123123.

Theo SGTT.Vn
TIN LIÊN QUAN