Khi sức khỏe của nền kinh tế được “đo lường” nhờ hạ tầng sân bay
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc phát triển hạ tầng hàng không luôn được chú trọng, bởi đây được xem là bàn đạp có vai trò lớn “kích hoạt” nền kinh tế.
Hạ tầng thúc đẩy kinh tế tăng tốc
Theo một thống kê của Nhóm vận tải hàng không liên ngành (Air Transport Action Group - ATAG), năm 2014, tổng tác động đến nền kinh tế toàn cầu trực tiếp và gián tiếp của ngành công nghiệp hàng không đạt 2,7 nghìn tỷ USD; con số này tương đương khoảng 3,5% GDP của thế giới.
Cùng năm, 6,4 nghìn tỷ USD hàng hóa, tương đương 35% giá trị thương mại toàn cầu đã được vận chuyển bằng đường hàng không. 87% lượng hàng hóa của ngành thương mại điện tử cũng được những chuyến bay đưa đến tay khách hàng; con số này ước tính sẽ đạt 91% vào năm 2025. Đồng thời, ngành vận tải hàng không tạo ra 67 triệu việc làm. Những số liệu trên đã góp phần chỉ ra, hạ tầng hàng không là một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế.
Hạ tầng hàng không có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Ảnh Shutterstock
Trên thế giới có không ít khu vực, quốc gia đo lường sức khỏe của nền kinh tế nhờ hạ tầng hàng không. Bởi khi mảnh ghép này được chú trọng phát triển sẽ tạo ra động lực và nền tảng để thúc đẩy những ngành phụ thuộc như du lịch, logistics, xuất nhập khẩu hay các nhóm ngành dịch vụ… tiến xa hơn.
Ví dụ, tại khu vực Caribbean, du lịch là một ngành trọng yếu trong nền kinh tế. Với nhiều thị trường như Cuba, Guyana, Martinique, Saint Lucia, Trinidad và Tobago, và Cộng hòa Dominica, hơn 90% khách du lịch được ghi nhận đến bằng đường hàng không. Năm 2014, theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA); ngành hàng không đã đem về cho các quốc gia Caribbean này 27 tỷ USD doanh thu từ du lịch; trong đó 24,3 tỷ USD là du lịch giải trí và 2,7 tỷ USD là du lịch kinh doanh. Số tiền này đủ để trang trải chi tiêu công cho chăm sóc sức khỏe và giáo dục của cả khu vực.
Tương tự, với Nhật Bản, hạ tầng hàng không giữ vai trò lớn trong kết nối liên vùng, liên quốc gia, tạo tiền đề cho ngành vận tải phát triển. Thống kê từ IATA, năm 2017, vận tải hàng không đóng góp cho Nhật Bản 118 tỷ USD vào GDP, cùng 798 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Nhiều chuyên gia nhận định, vận tải là ngành có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong việc đưa Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Hạ tầng hàng không cũng là nhân tố thiết yếu của ngành du lịch và vận tải. Ảnh Shutterstock
Tựu chung, việc phát triển hạ tầng hàng không đối với nhiều quốc gia trên thế giới không chỉ để tăng cường hạ tầng kết nối, thúc đẩy du lịch, vận tải, mà gián tiếp đem lại những giá trị khác về mặt kinh tế cũng như an sinh xã hội; tạo ra việc làm cho lao động địa phương và mở ra những cơ hội để nền kinh tế địa phương khỏe và phát triển bền vững hơn.
Dư địa nào cho Việt Nam
Việt Nam hiện có 22 sân bay đang hoạt động. Đặc biệt, có duy nhất sân bay Vân Đồn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, vận hành. Theo quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, nước ta sẽ có 31 sân bay, gồm 14 sân bay quốc tế và 17 sân bay nội địa.
Là một quốc gia có đường biển dài, nhiều thắng cảnh nổi tiếng; tài nguyên thiên nhiên đa dạng cùng vị trí chiến lược; Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cũng như là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên để khai thác triệt để lợi thế sẵn có, biến tài nguyên thành những nguồn thu dồi dào, vai trò của hạ tầng, trong đó có hàng không là vô cùng quan trọng.
Việt Nam đang trên lộ trình tháo gỡ những nút thắt của hạ tầng hàng không. Ảnh Shutterstock
Ví như, các địa phương thuộc vùng Tây Bắc là nơi hội tụ nhiều cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ, phù hợp phát triển các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch mạo hiểm hay các ngành chế biến; xuất khẩu nông - lâm sản, thủ công mỹ nghệ… Tuy nhiên, do giao thông đi lại khó khăn dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận.
Tương tự, Tây Nguyên - khu vực sở hữu vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh cũng là vùng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế như du lịch sinh thái hay chế biến và xuất khẩu nông - lâm sản. Tuy nhiên, việc giao thông còn hạn chế khiến nhiều tài nguyên chưa thể tiếp cận, khai thác; hoạt động giao thương gặp nhiều cản trở.
Trong bối cảnh, có đến 58% du khách trên thế giới đi du lịch bằng đường hàng không (theo UNWTO) và 40% giá trị xuất khẩu của thế giới được tạo ra qua hình thức không vận (theo ATAG); dễ thấy, vai trò của hạ tầng hàng không đối với các quốc gia bao gồm cả Việt Nam nhằm tạo động lực để phát triển kinh tế là không thể phủ nhận.
Kinh tế, giao thương càng sôi động càng đòi hỏi hạ tầng hàng không phải hoàn thiện để bắt kịp với tốc độ phát triển. Ảnh Shutterstock
Đó là cũng lý do, không ít cường quốc trên thế giới bắt tay vào phát triển mạng lưới hàng không dày đặc suốt những năm qua. Tiêu biểu, Mỹ hiện đã có gần 20.000 sân bay; Trung Quốc dự kiến đến năm 2035 sẽ có 450 sân bay còn Nga cũng sở hữu đến 1218 sân bay. Ngay trong khu vực ASEAN, Thái Lan hiện đã có 38 sân bay; Malaysia có 66 sân bay với 38 sân bay thương mại; Philippines có 70 sân bay còn Indonesia ghi nhận có ít nhất 683 sân bay với 34 sân bay thương mại.
Có thể thấy, với diện tích rộng lớn, các quốc gia đã xây dựng nhiều sân bay là điều cần thiết, tuy nhiên, việc đầu tư sân bay nhằm hướng tới phục vụ chiến lược kinh tế dài hạn như: thu hút đầu tư, khách du lịch, phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp; tăng cường giao thương… hay tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện an sinh - xã hội nhằm tạo đà cho kinh tế cất cánh.
Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Chinh, việc phát triển hạ tầng hàng không cũng là một sự đón đầu: “Nếu có thể phát triển hiệu quả mạng lưới sân bay có tính chất cơ động thì sẽ thu hút được tầng lớp tinh hoa, những đối tượng khách thu nhập cao, giúp ngành du lịch của từng địa phương phát triển được những sản phẩm du lịch cao cấp, đón đầu phát triển hàng không chung trong tương lai”
Việc trả lời câu hỏi mỗi quốc gia nên có bao nhiêu sân bay cần sự vào cuộc của rất nhiều chuyên gia, nhà kinh tế, quy hoạch nhằm đánh giá và đo lường tác động, để phù hợp với điều kiện từng quốc gia. Tuy nhiên, so với tương quan các nước trong khu vực, mật độ sân bay của nước ta còn lép vế. Và đây cũng là một bài toán mà Việt Nam cần sớm tìm lời giải thỏa đáng để có thể phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
PV