Tám trọng điểm nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm đạt mục tiêu NetZero
Nghiên cứu cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp, phát triển thị trường carbon; đề xuất cơ chế ưu đãi đầu tư và các công cụ kinh tế, tài chính nhằm khơi thông nguồn lực thực hiện các dự án kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, chuyển đổi năng lượng xanh…
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam".
Ảnh minh họa
Nghiên cứu đề xuất cơ chế ưu đãi đầu tư và các công cụ tài chính cho dự án xanh, carbon thấp
Mục tiêu chương trình nhằm cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất các mô hình và các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, phát triển nguồn nhân lực nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam;
Chương trình cũng hướng mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng, giải mã, đổi mới và chuyển giao công nghệ, các giải pháp quản lý và kỹ thuật, khoa học, công nghệ tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, phục vụ giảm phát thải khí nhà kính; phát triển công nghệ xanh, sạch, tuần hoàn; giảm tiêu thụ, chuyển dịch và chuyển đổi năng lượng; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon.
NetZero mục tiêu chương trình nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 8 nội dung nghiên cứu quan trọng.
Thứ nhất, nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật phục vụ mục tiêu đạt Net Zero tại Việt Nam. Cụ thể sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách thúc đẩy khuyến khích phát triển, giải mã, đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xanh, sạch trong các ngành, lĩnh vực. Khuyến khích, ưu đãi sử dụng nhiên liệu sinh học, điện tái tạo, amonia xanh, hydro xanh, nhiên liệu hàng không bền vững; góp phần hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch từ nhiệt điện, hạn chế phát thải khí metan…
Nghiên cứu điều tra cơ bản, xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu để hoạch định, phục vụ cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon. Đồng thời đề xuất và cập nhật bộ tiêu chí nhằm áp dụng thử nghiệm đánh giá phát thải carbon/khí nhà kính và hiệu quả sử dụng năng lượng đối với các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và dịch vụ. Phát triển hiệu quả công cụ kiểm kê khí nhà kính, tính toán phát thải khí nhà kính, thẩm định tín chỉ carbon, định giá carbon, kết nối với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Nghiên cứu đề xuất mô hình, cơ chế thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện mục tiêu đạt mức phải thải ròng bằng 0.
Chương trình cũng nêu rõ việc nghiên cứu đề xuất cơ chế ưu đãi đầu tư và các công cụ kinh tế, tài chính nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính từ khối doanh nghiệp; thu hút đầu tư từ các định chế tài chính, tổ chức tín dụng quốc tế; tạo điều kiện cho các tập đoàn quốc tế, tập đoàn đa quốc gia thực hiện các dự án kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp, chống chịu cao, đặc biệt trong chuyển đổi năng lượng xanh, sạch.
Thứ hai, nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn thiết kế, xây dựng, thử nghiệm các mô hình và đề xuất các giải pháp chuyển dịch xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.
Cụ thể sẽ nghiên cứu, phát triển và áp dụng các mô hình, giải pháp thông qua phối hợp với doanh nghiệp, nhà đầu tư, quản lý nhà nước, viện trường…về tăng trưởng chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp, chống chịu cao theo ngành, lĩnh vực, doah nghiệp, khu vực, địa phương nhằm đạt mục tiêu NetZero.
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật hướng tới mục tiêu NetZero cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và dịch vụ trên nền tảng khép kín các dòng vật chất và năng lượng tại chỗ.
Hình thành công nghệ tăng trưởng xanh, phát thải thấp, dự báo, kiểm kê khí nhà kính
Thứ ba, nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất giải pháp, điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm hỗ trợ thực hiện mục tiêu Net Zero.
Thứ tư, phát triển, ứng dụng các giải pháp quản lý- kỹ thuật phục vụ khai thác và tận dụng hiệu quả nguyên/nhiên liệu sản xuất; các giải pháp kỹ thuật - công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon trong các ngành, lĩnh vực.
Theo đó sẽ nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ thu hồi carbon trong khí thải của hoạt động sản xuất công nghiệp (luyện thép, nhiệt điện, sản xuất xi măng)…
Nghiên cứu khoa học công nghệ
Thứ năm, nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng, công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý cho phát triển mô hình hạ tầng giao thông- vận tải- logistic bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ sáu, nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý cho phát triển mô hình công trình xây dựng, đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, phát thải carbon thấp và bền vững góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong thiết kế, thi công, vận hành và quản lý.
Thứ bảy, nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý phục vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ tám, nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý giám sát, phân tích, báo cáo, dự báo và cảnh báo nguy cơ phát thải và kiểm kê khí nhà kính.
Chương trình dự kiến có 7 loại hình sản phẩm. Ngoài cơ sở lý luận, thực tiễn, các báo cáo, mô hình, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, chương trình sẽ có các công nghệ, thiết bị phục vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, công nghệ phát thải carbon thấp.
Từ chương trình, dự kiến cũng sẽ có các công nghệ thu hồi, tận dụng, lưu trữ carbon, các công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ cảnh báo, dự báo và kiểm kê khí nhà kính; công nghệ thiết bị thu hồi và lưu trữ carbon… Cùng với đó là các cơ sở dữ liệu phục vụ mục tiêu NetZero tích hợp các phương pháp và tiêu chí thiết kế nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính…
Chương trình đặt mục tiêu 80% công nghệ, giải pháp quản lý, quy trình kỹ thuật đóng góp giảm thiểu khí nhà kính so với mức phát thải cơ sở trong lĩnh vực áp dụng.
Bên cạnh đó, 70% công nghệ, sản phẩm tạo ra có tính năng kỹ thuật, chất lượng tương đương với công nghệ, sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; ít nhất 50% số nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng trong thực tiễn khi chương trình kết thúc và hiệu quả được nơi sử dụng xác nhận. Đáng chú ý, chương trình đặt chỉ tiêu 50% số nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia thực hiện…