Trí tuệ nhân tạo ngày càng được quan tâm trong cộng đồng các nhà nghiên cứu khoa học
Trong hai ngày 8-9/8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp cùng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ XVII (FAIR’2024) với chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số”.
Tham dự Hội nghị có GS, TS. Vũ Đức Thi, Trưởng ban tổ chức Hội nghị; PGS,TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; GS, TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước ngành Công nghệ thông tin; Hội nghị có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các học viện, trường đại học trên cả nước.
FAIR 2024 với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số”, được sự bảo trợ chuyên môn của 4 cơ sở đào tạo uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông là Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại hoc Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, Viện Công nghệ Thông tin – ĐHQGHN. Hội nghị diễn ra trong 02 ngày 8-9/8/2024 với 03 nội dung chính: Khai mạc Hội nghị và Báo cáo mời phiên toàn thể; Báo cáo các phiên tiểu ban chuyên đề.
GS, TS. Vũ Đức Thi, Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS, TS. Vũ Đức Thi cho biết: Nước ta đang tiến hành quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế dựa trên nền công nghệ cao và đang tiến hành quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, quá trình này đang diễn ra rất sôi động. Chúng ta đang đón nhận những lợi ích rất lớn của AI mang đến cho nhân loại, nhưng chúng ta cũng đánh giá và hạn chế những mặt tiêu cực của AI, trong đó AI tạo sinh tạo ra những thông tin giả, văn bản giả, video giả,… gây khó khăn trong đời sống xã hội mà nhiều nước đã phải đưa ra các quy định cần thiết đối với các nội dung do AI tạo ra nhằm bảo vệ người sử dụng và bảo vệ sự an toàn của xã hội.
Phiên toàn thể diễn ra với 02 báo cáo mời của các chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin trình bày bao gồm: Báo cáo “xử lý tự động văn bản Hán – Nôm của PGS, TS. Đinh Điền - Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM và Báo cáo “Nhận dạng hoạt động của người và ứng dụng” của PGS, TS. Phạm Văn Cường, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Các phiên tiểu ban chuyên đề được chia thành 07 tiểu ban về Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng, Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Y tế, Khoa học dữ liệu, Hệ thống thông tin, Xử lý ảnh và thị giác máy tính, Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Mạng và kỹ thuật máy tính.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS, TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông rất hân hạnh được góp sức tổ chức Hội nghị FAIR 2024 và hy vọng Hội nghị sẽ tiếp tục là sự kiện khoa học có uy tín cao, là một diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học làm công tác công nghệ thông tin, đặc biệt các cán bộ ở các trường ĐH và các Viện nghiên cứu trong cả nước, trình bày các kết quả mới nhất của mình và trao đổi các kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng về công nghệ thông tin.
Tại Hội nghị lần này, Học viện Kỹ thuật Mật mã và Viện Khoa học - Công nghệ Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ đóng góp 4 báo cáo: “A new signature scheme with tigh security reduction”; “Đề xuất phương pháp sinh S-hộp hiệu quả có tính chất mật mã tốt dựa trên ma trận dịch vòng”; “Đánh giá cận an toàn cho tính chất SM-TCR đối với hàm băm có thể điều chỉnh trong lược đồ chữ ký số kháng lượng tử SPHINCS+” và “Khảo sát về hệ thống phát hiện xâm nhập dựa trên học máy”. Các báo cáo thu hút sự quan tâm, trao đổi của các đại biểu, các nhà khoa học.
Có thể thấy, FAIR 2024 là sự kiện khoa học có uy tín cao, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, các nghiên cứu sinh, giảng viên, sinh viên đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin.
Năm nay, Ban Tổ chức hội nghị đã nhận được 185 bài báo khoa học từ gần 315 trường ĐH, học viện, đơn vị nghiên cứu khắp cả nước. Mỗi bài báo được đánh giá bởi 02 phản biện độc lập. Sau vòng phản biện, Ban Chương trình đã chọn ra 112 bài báo tốt nhất dựa trên các tiêu chí là tính mới, tính khả khi, tính thực tiễn và đáp ứng các yêu cầu về hình thức, nội dung.
Trao Cờ đăng cai tổ chức FAIR XVIII năm 2025 cho Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Với những thành quả, uy tín đã đạt được qua 17 lần tổ chức, Hội nghị FAIR là diễn đàn thảo luận những vấn đề thời sự về CNTT ở trong và ngoài nước, đưa ra những hướng nghiên cứu và phát triển tiếp theo. Đồng thời, qua đó tạo điều kiện cho các nhà khoa học và công nghệ gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm khả năng hợp tác.
Cũng tại Hội nghị, Ban tổ chức đã trao Cờ đăng cai Hội nghị FAIR 2025 cho Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Theo Tạp chí An toàn thông tin