Liên minh châu Âu đã áp dụng Đạo luật Trí tuệ nhân tạo

09:39, 05/08/2024

Liên minh châu Âu đã áp dụng văn bản pháp lý đầu tiên trên thế giới vạch ranh giới được phép và không được phép đối với một lĩnh vực công nghệ mới mẻ và phát triển rất nhanh như trí tuệ nhân tạo (AI) từ ngày 1/8/2024.

Ngày 13/03/2024, các nghị sỹ của Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ 523 phiếu ủng hộ, 46 phiếu chống và 49 phiếu trắng, nhất trí thông qua Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence Act - AIA) nhằm đảm bảo sự an toàn và tuân thủ các quyền cơ bản trong tiến trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trước đó, toàn văn nội dung dự luật trên cũng đã được thống nhất sau các cuộc đàm phán giữa EP với tất cả các quốc gia thành viên vào ngày 09/12/2023. AIA gồm 459 trang, 13 chương, 113 điều và 13 phụ lục.

Luật cấm ngặt các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo để thao túng quyết định của người dùng hoặc phân loại con người dựa trên hành vi. Doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt tối đa 7% doanh số toàn cầu, tuỳ theo mức độ vi phạm và quy mô doanh nghiệp.

Luật Trí tuệ nhân tạo đã được thiết kế nhằm duy trì không gian sáng tạo và cạnh tranh đồng thời vẫn hạn chế hậu quả tiêu cực của một công nghệ mới. Các tác phẩm có được nhờ trí tuệ nhân tạo trợ giúp cũng bắt buộc phải tôn trọng các luật hiện hành bảo vệ nhân phẩm con người và bản quyền sáng tác.

Uỷ ban châu Âu sẽ sớm thành lập Cơ quan Trí tuệ nhân tạo châu Âu, có nhiệm vụ hỗ trợ áp dụng đạo luật và phối hợp điều tra vi phạm.

Theo trang Business Insider ngày 14/03/2024, AIA là nỗ lực đầu tiên của cơ quan lập pháp của EU nhằm bảo vệ công dân của mình khỏi những rủi ro tiềm ẩn của công nghệ AI. Tuy nhiên, AIA cũng bị một số nhà bình luận đặt câu hỏi. Chuyên gia về AI Henry Ajder cho rằng đây là bước đi “đầy tham vọng”, song ông cũng cảnh báo, AIA có nguy cơ khiến châu Âu kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu. Trả lời phỏng vấn của Business Insider, ông Ajder cho biết thêm: Mối quan tâm của tôi là chúng ta thấy các công ty rõ ràng sẽ tránh phát triển ở một số nơi mà có những quy định rất chặt chẽ và toàn diện. Do đó, sẽ có những quốc gia gần như đóng vai trò là thiên đường cho phát triển AI - nơi mà họ tránh áp dụng luật pháp chặt chẽ về AI.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

(https://sohuutritue.net.vn/lien-minh-chau-au-da-ap-dung-dao-luat-tri-tue-nhan-tao-d232288.html)