Khối ngân hàng ủng hộ 140 tỷ đồng phòng chống dịch covid-19

Phương Anh 22:14, 17/03/2020

Nhằm chung tay cùng Chính phủ trong công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng đã công bố ủng hộ tiền mặt rất lớn, phổ biến mức 5 - 10 tỷ đồng mỗi đơn vị.

Cụ thể, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Doanh Nghiệp trẻ Việt Nam, với vai trò là doanh nghiệp trong nước và mong muốn được chung tay chia sẻ một phần trách nhiệm với đất nước, Công ty tài chính Fe Credit đã ủng hộ 5 tỷ đồng, tương đương 10 nghìn bộ dụng cụ xét nghiệm, nhằm góp phần hỗ trợ cho đội ngũ y bác sĩ thêm công cụ kiểm tra nhằm phát hiện sớm và đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

 Ngân hàng VPBank trong khi đó cũng đã công bố đóng góp 10 tỷ đồng, sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổng hợp, chuyển cho Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đơn vị chức năng có liên quan như Bộ Y Tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.

Một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vàng bạc đá quý là Tập đoàn DOJI cũng công bố ủng hộ 5 tỷ đồng.

4 ngân hàng là SeABank, ACB, Bắc Á và TPBank mỗi đơn vị ủng hộ 5 tỷ đồng.

Hiện tại đã có tổng cộng 14 ngân hàng tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó 10 ngân hàng bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, MB, Techcombank, Sacombank, VPBank, MSB, HDBank mỗi đơn vị 10 tỷ đồng; còn 4 ngân hàng là SeABank, ACB, Bắc Á và TPBank mỗi đơn vị ủng hộ 5 tỷ đồng.

Như vậy riêng 14 ngân hàng và 2 doanh nghiệp liên quan ngành tài chính là Fe Credit và DOJI đến thời điểm này đã ủng hộ tổng cộng 130 tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí, đại diện của VPBank cho biết,  dịch Covid-19 đang gây ra những tác động tiêu cực đối với hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, xã hội, các ngân hàng và tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn nói chung đã đi đầu trong công tác hỗ trợ cộng đồng. Ngay từ đầu mùa dịch, ngân hàng đã chủ động cung cấp các giải pháp thiết thực hỗ trợ các khách hàng vượt qua khó khăn như giảm lãi suất cho vay từ 1 - 1,5%/năm, cơ cấu lại nợ..., đồng thời áp dụng sớm hàng loạt các biện pháp ngăn ngừa dịch đối với cán bộ nhân viên trên toàn hệ thống.

14 ngân hàng và 2 doanh nghiệp liên quan ngành tài chính là Fe Credit và DOJI đến thời điểm này đã ủng hộ tổng cộng 130 tỷ đồng.

Lãnh đạo các doanh nghiệp và ngân hàng cũng chia sẻ, với hành động thiết thực này, họ hi vọng có thể tiếp sức cho người dân thêm động lực, chủ động hơn trong việc tự nguyện đi kiểm tra sức khỏe của mình trong mùa dịch nếu có các triệu chứng nghi vấn hoặc những người về từ vùng dịch; đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua đại dịch và các hoạt động kinh tế xã hội sớm trở lại bình thường.

Bên cạnh hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch, các ngân hàng cũng đã cam kết gói tín dụng 285.000 tỷ đồng tài trợ cho khách hàng, doanh nghiệp. Mức lãi suất sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Đây là sự hỗ trợ hoàn toàn đến từ các ngân hàng không dùng nguồn ngân sách.

Vừa qua, Ngân hàng nhà nước cũng đã chính thức ban hành Thông tư về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19, trong đó quy định các điều kiện để khách hàng được cơ cấu nợ, giảm lãi, miễn phí giao dịch.

Đồng thời, cơ quan này cũng đã có thông báo về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ lần thứ 2. Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giảm phí dịch vụ lần 2 trong năm 2020.

NAPAS giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các giao dịch có giá trị 500.001- 2 triệu đồng. Trong khi đó, CIC cũng chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của tổ chức tín dụng từ tháng 3 đến tháng 12/2020.

Phương Anh