Khơi thông nguồn lực từ các quỹ khoa học và công nghệ

07:00, 05/07/2024

Những vướng mắc, hạn chế, “điểm nghẽn” khiến nguồn lực từ các quỹ về khoa học và công nghệ như Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia, Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp chưa được khai thác, phát huy tối đa hiệu quả sẽ được tháo gỡ trong quá trình sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ với những đề xuất quy định mới...

Ảnh minh họa

Chiều ngày 4/7/2024, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang chủ trì họp báo thường kỳ Quý II/2024 của Bộ.

Trong quý 2/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; đề nghị xây dựng: Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với đó, hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động Khoa học và Công nghệ; Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo…

CƠ CHẾ TÀI CHÍNH LÀ MẤU CHỐT PHÁT HUY HIỆU QUẢ QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ QUỐC GIA 

Liên quan đến việc Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra 2 phương án về Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia trong báo cáo đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ cho biết Quỹ là cơ quan tài trợ khoa học, trong đó tập trung chính vào tài trợ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất, có tiềm năng, hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia.

Trong 10 năm đầu hoạt động triển khai tài trợ (từ năm 2008), Quỹ được áp dụng một cơ chế đặc biệt; cơ chế quỹ, tài trợ, hỗ trợ phù hợp với thông lệ quốc tế, giảm thời gian thủ tục hành chính cho các nhà khoa học, đồng thời được đánh giá xét chọn rất nghiêm cẩn về mặt khoa học.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang chủ trì họp báo thường kỳ Quý II/2024 của Bộ.

Tuy nhiên, từ năm 2017, khi có một số quy định mới liên quan ra đời có sự đan xen, dẫn đến cơ chế của quỹ không được thuận lợi như giai đoạn trước, làm tăng thủ tục hành chính, tăng thời gian đánh giá, xét chọn tài trợ đối với các nhà khoa học, không thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ông Nguyên nói.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có điều chỉnh một số quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ theo một trong 2 hướng: là đơn vị sự nghiệp nhưng có một số cơ chế đặc thù về tài chính hoặc quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhưng vẫn được ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm.

Theo Giám đốc Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia, về bản chất, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn hoạt động tài trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ, hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia mà Quỹ đang triển khai vẫn được ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm; đồng thời giải quyết các vấn đề chậm trễ trong xử lý, giữ được các cơ chế quỹ như trong giai đoạn 10 năm đầu.

Ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia trao đổi với báo chí.

Theo đó, quỹ có thể thực hiện đánh giá xét chọn tài trợ nghiêm cẩn theo thông lệ quốc tế nhưng vẫn đảm bảo thời gian xử lý ngắn gọn, các thủ tục hành chính đơn giản, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, đảm bảo tính thời sự của vấn đề nghiên cứu…

Cũng theo ông Nguyên, bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học là đi tìm kiếm, khám phá cái mới nên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro , khả năng không đạt kết quả như dự kiến ban đầu, không đúng như kế hoạch đặt ra ban đầu…

Để các nhà khoa học yên tâm thực hiện các nghiên cứu đột phá, nghiên cứu xuất sắc cần có một số cơ chế tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, đánh giá đúng theo đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ, ông Nguyên lý giải về những đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề quỹ này trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.

Chia sẻ thêm, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, điểm mấu chốt khiến quỹ chưa phát huy hết vai trò trong thời gian qua chính là vấn đề cơ chế tài chính liên quan. Ở giai đoạn sau, khi quỹ này triển khai thực hiện theo dự toán, giống như các nhiệm vụ khoa học công nghệ nên vai trò của quỹ đã không còn.

Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng cần thiết phải có sự điều chỉnh các quy định liên quan để quỹ phát huy đúng vai trò của quỹ. Bộ đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung sửa đổi Luật Khoa học công nghệ trong đó có các nội dung liên quan đến Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia.

GIẢI PHÓNG NGUỒN LỰC TỪ QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ DOANH NGHIỆP

Liên quan đến vấn đề tháo gỡ những vướng mắc của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ doanh nghiệp trong quá trình sửa Luật Khoa học và Công nghệ, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, doanh nghiệp có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập quỹ và thông báo thành lập quỹ cho cơ quan quản lý về khoa học công nghệ địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Tài Chính để sửa đổi Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến đề xuất sửa đổi một số điểm, trong đó có quy định về tỷ lệ trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp nhà nước theo hướng doanh nghiệp được chủ động xác định tỷ lệ trích lập quỹ tối thiểu nhưng không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập hàng năm để đảm bảo bình đẳng về tỷ lệ trích lập quỹ giữa các doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác.

Về dự kiến sắp tới, Bộ Khoa học và Công nghệ có phương án sửa Luật Khoa học và Công nghệ trên tình thần quan điểm vẫn duy trì quy định: doanh nghiệp nhà nước phải trích quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp nhưng cho phép được linh hoạt quyền quyết định tỷ lệ trích lập quỹ như định hướng sửa đổi Nghị định 95.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thực tế việc thực hiện trích lập quỹ này với các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không khó mà vấn đề vướng mắc ở việc triển khai và tiêu quỹ. Bộ đã phối hợp với các bộ liên quan để giải phóng nguồn lực này, phát huy tối đa hiệu quả quỹ trong thời gian tới, cụ thể là sửa Luật Khoa học và Công nghệ.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý III/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Cùng với đó, hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Báo cáo Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2024.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/khoi-thong-nguon-luc-tu-cac-quy-khoa-hoc-va-cong-nghe.htm