Không để Covid-19 bước vào chu kỳ thứ 3
Các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 vẫn là chủ đề được dành nhiều thời gian thảo luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 diễn ra cả ngày hôm qua (2.12) và buổi họp báo cuối ngày.
3 sáng kiến của Thủ tướng
Tại buổi họp báo cuối chiều qua, thông tin về một số nội dung chính của phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết cuộc họp đã tập trung bàn về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có tình hình phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, ông Dũng cho hay các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất nhận định tình hình tiếp tục có sự cải thiện hơn so với các tháng trước. Trước tiên là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11.2020 giảm 0,01% so với tháng trước; bình quân 11 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc; nhất là ngành chế biến, chế tạo tháng 11.2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ…
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Trong tháng, doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,7% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 59,8%; số vốn đăng ký thành lập mới tăng 103,5% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt 489,1 tỉ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ở mức kỷ lục là 20,1 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỉ USD, tăng 5,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đạt 234,5 tỉ USD, tăng 1,5%.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; từ tháng 1 - 11 giải ngân đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ (mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020).
Đặc biệt, ông Dũng cho biết thêm tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập 3 sáng kiến mà trước tiên là đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, đã báo cáo trước Quốc hội. “Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT có đề án, chính sách cụ thể để triển khai”, ông Dũng nói.
Sáng kiến thứ hai là kích cầu tiêu dùng nội địa bằng việc đưa hàng nông thôn lên thành thị. Thứ ba, Thủ tướng đề nghị ngành y tế cân nhắc sớm có đề án cải cách chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi, trước mắt là đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.
Tập trung cách ly trong khu của quân đội
Tại buổi họp báo, làm sao để dịch Covid-19 không lan rộng ra cộng đồng là vấn đề được nhiều báo quan tâm đặt câu hỏi nhất.
Trả lời về khả năng kiểm soát trong bối cảnh xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng với bài học, kinh nghiệm đã tích lũy được từ 2 đợt dịch vừa qua, chúng ta quyết tâm không để sang chu kỳ thứ 3.
“Về việc TP.HCM đề xuất giãn cách, hôm nay chúng tôi cũng đã họp với Chính phủ, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo những khu vực nào có nguy cơ cao sẽ xem xét giãn cách, còn lại vẫn hoạt động bình thường. Trên tinh thần chúng ta không nên hoang mang nhưng cũng không chủ quan lơ là để thực hiện mục tiêu kép”, ông Cường nói.
“Vừa qua, chúng ta công bố nối chuyến bay thương mại với 7 nước nhưng cũng mới thực hiện 2 chuyến với Hàn Quốc, 1 chuyến với Nhật Bản. Tuy nhiên, khi bay về tiếp nhận thì phối hợp để đưa đón, cách ly cần làm tốt hơn. Tinh thần là cách ly ở khu của quân đội và do địa phương chỉ định, có y tế xét nghiệm, kiểm soát chặt”, ông Cường cho biết.
Bên cạnh đó, trả lời về việc mới đây một số hãng hàng không tư nhân kiến nghị được hỗ trợ các khoản vay ưu đãi, sau khi Quốc hội đồng ý gói tài chính hỗ trợ Vietnam Airlines, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: “Hỗ trợ tài chính thì bây giờ mới là đề xuất của các hãng tư nhân. Tuy nhiên, còn trường hợp của Vietnam Airlines thì hãng bay có phần lớn vốn nhà nước nên việc bảo toàn vốn nhà nước cũng là việc cần xem xét”.
Vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng chống dịch Ngày 2.12, Thủ tướng đã ban hành Công điện về tăng cường thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, đối với trường hợp lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu UBND TP chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ, thần tốc truy vết mọi đối tượng F1, F2 của các ca lây nhiễm mới phát hiện, với tinh thần cao nhất, đạt kết quả tối đa, không để lây lan vòng 3. Nhận định việc để xảy ra lây nhiễm là vụ việc vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo kết quả lên Thủ tướng. Bộ Y tế, UBND TP.HCM có trách nhiệm giám sát xử lý vụ việc vi phạm này. |
Châu Anh (T/h)