Không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt từ 1-3 triệu đồng
Từ ngày 15-11-2020, TPHCM và Hà Nội bắt đầu phạt 1-3 triệu đồng đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng. Nội dung này được quy định trong nghị định 117.
* Điều chỉnh tăng mức phạt gấp 10 lần
Trước đây, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bị áp dụng mức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng (theo Khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế). Tuy nhiên, từ ngày 15-11, thời điểm Nghị định 117 chính thức có hiệu lực, hành vi trên sẽ bị phạt tiền với mức phạt tăng gấp 10 lần.
Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 117 quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Quy định mới cũng tăng mức xử phạt đối với hành vi không thông báo cho UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật từ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-3 triệu đồng (mức phạt theo quy định cũ là 100-300 ngàn đồng). Đáng chú ý, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với các hành vi vi phạm nêu trên thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, Nghị định 117 cũng quy định những hành vi vi phạm việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng tăng mức phạt tiền lên nhiều lần. Cụ thể như, phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Mức phạt trên cũng được áp dụng đối với hành vi không thực hiện hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng, cơ sở dịch vụ ăn uống có nguy cơ lây lan bệnh tại vùng có dịch…
Bên cạnh đó, Nghị định 117 còn quy định, xử phạt từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
* Tăng cường xử lý vi phạm
Hiện nay, việc bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng vẫn còn duy trì, tuy nhiên thực tế có rất ít người chấp hành. Tại nhiều nơi bắt buộc phải đeo khẩu trang như: siêu thị, chợ, các điểm vui chơi giải trí, phương tiện công cộng…, nhiều người “lơ là” việc đeo khẩu trang.
Do đó, theo Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân, Nghị định 117 quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 là rất cần thiết. Hiện nay, nguy cơ dịch Covid-19 quay lại là rất lớn do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Hiện vẫn còn nhiều trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam có nhiễm bệnh. Dù hơn 2 tháng qua cả nước không phát hiện ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân cho rằng, việc chung tay phòng, chống dịch Covid-19 là trách nhiệm, nghĩa vụ với cộng đồng. Do đó, mỗi cá nhân phải tự ý thức tuân thủ triệt để theo những quy định của chính quyền địa phương, của cơ quan y tế. Trong đó có việc thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của sự chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một phần là do cơ quan chức năng chưa xử phạt nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng. Bà Vũ Thị Hiệp (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đề xuất: “Việc chế tài xử phạt không đeo khẩu trang nơi công cộng cần được UBND phường, xã tăng cường hơn nữa nhằm kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt theo quy định. Nên chăng thực hiện hình thức “phạt nguội” như xử phạt các cơ sở, đơn vị… nếu những nơi này không có biện pháp nhắc nhở người dân chấp hành các biện pháp phòng dịch bệnh; đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần thì cho tạm dừng hoặc không cho tổ chức các hoạt động tập trung đông người…” - bà Hiệp đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân cho hay, tới đây thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo nghị định mới.
Minh Thùy (T/h)