Không dùng tiền mặt đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ tại Việt Nam
Theo thông kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 4/2022, Việt Nam hiện có hơn 20.000 cây ATM, hơn 347.000 POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Theo bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào, thanh toán không dùng tiền mặt đã xuất hiện từ trước đại dịch, nhưng càng phổ biến hơn từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Tại các nước Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam, xu hướng thanh toán mới này càng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ có dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng thiết bị di động và internet cao.
Tại hội thảo "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt" nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt, bà Winnie Wong cho biết, điểm mấu chốt để phát triển thanh toán không tiền mặt là phải làm sao duy trì niềm tin của người tiêu dùng vào thanh toán điện tử.
Theo nghiên cứu Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2021, an toàn và bảo mật là mối quan tâm hàng đầu khi thanh toán điện tử; trong đó, những lý do hàng đầu cho việc không thử sử dụng các phương thức thanh toán mới bao gồm các vấn đề an ninh (47%) và lo ngại về bảo mật dữ liệu (42%).
Ngược lại, 79% số người được hỏi ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết họ sẵn sàng thử các công nghệ thanh toán mới nếu nhận thấy chúng an toàn và 85% muốn chắc chắn rằng các tùy chọn thanh toán do người bán đưa ra là an toàn. Do đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán cần ưu tiên đảm bảo và duy trì an toàn và bảo mật trong mọi giao dịch tài chính điện tử
Chuỗi các sự kiện của Ngày không tiền mặt tiếp tục góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.
Thiên Thanh (T/h)