Khủng hoảng - doanh nghiệp thích ứng hay là… chết?
Tiến sĩ Phạm Thị Thơm - Giảng viên Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Công thương Trung ương, Bộ Công thương cho biết, Covid-19 đang ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất mà doanh nghiệp toàn cầu phải đối diện. Nếu không có chiến lược thích ứng ngay lập tức, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại.
Những thay đổi trong đại dịch
Theo khảo sát của EY Future Consumer Index, đại dịch đã thay đổi người tiêu dùng toàn cầu từ quan điểm về giá trị, hành vi cho tới cách thức tiêu dùng. Cụ thể, có tới 89% người tiêu dùng được khảo sát cho biết đang và sẽ thay đổi cách thức mua sắm, 76% đang và sẽ thay đổi cách lựa chọn sản phẩm và dịch vụ, và 50% cho biết sẽ chỉ chi tiêu cho một số sản phẩm thiết yếu. Sự thay đổi này chắc chắn buộc các doanh nghiệp cần định vị lại chiến lược kinh doanh và “thay máu” toàn bộ các khâu để thích ứng nếu không muốn bị đào thải.
Theo TS. Thơm, trước hết doanh nghiệp cần phải nhận diện được bối cảnh của cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19, tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào. Từ đó, phân tích được các kịch bản kinh tế và Việt Nam đưa ra trong đại dịch.
Theo đó, các kịch bản sẽ dựa trên các tiêu chí: Dịch bệnh được kiểm soát hoặc việc tiêm vaccine được đẩy nhanh tạo miễn dịch cộng đồng. Với kịch bản này nền kinh tế vĩ mô sẽ ổn định, tăng trưởng tốt và doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để vực dậy. Ở một diễn biến khác, nếu như dịch bệnh chưa thể được kiểm soát, quá trình tiêm chủng vắc-xin được triển khai chậm do thiếu nguồn cung; biến thể mới xuất hiện… nền kinh tế vĩ mô khó phục hồi, doanh nghiệp sẽ kéo dài những khó khăn…
“Dựa trên các việc phân tích các kịch bản doanh nghiệp sẽ đưa ra được các chiến lược thích ứng trong khủng hoảng phù hợp nhất để duy trì và phát triển”, TS. Thơm cho biết.
Chiến lược thích ứng của doanh nghiệp
Do mức độ và chiều hướng tác động của COVID-19 lên các ngành có sự khác nhau nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các doanh nghiệp. Chính vì vậy, theo TS. Thơm, về tổng thể, các doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược thích ứng theo ba nhóm giải pháp.
Nhóm giải pháp thứ nhất là tập trung vào quản lý khủng hoảng và quản lý thanh quản. Ví dụ như, doanh nghiệp có thể thiết lập đội phản ứng nhanh để xử lý các tình huống bất thường có thể phát sinh… Còn quản lý thanh quản là việc doanh nghiệp cần phải cân đối dòng tiền, cắt giảm chi tiêu, theo dõi nợ công chặt chẽ để không bị “chảy máu” tài chính trong giai đoạn khó khăn.
Ở nhóm giải pháp thứ 2, TS. Thơm chỉ ra rằng, doanh nghiệp cần hướng đến việc tạo ra những giá trị ngắn hạn thông qua việc rà soát và đưa ra các giải pháp có thể thực hiện ngay để tăng hiệu quả hoạt động và tăng dòng tiền. Ví dụ như, phân bổ lại nguồn lực đầu tư, tối ưu các khoản vay, xem xét lại cơ cấu sản phẩm, cơ cấu khách hàng, rà soát lại công tác mua sắm…. Tuy nhiên đây chỉ được coi là giải pháp tình thế, nếu kéo dài quá doanh nghiệp sẽ mất cơ hội cạnh tranh trong tương lai.
Nhóm giải pháp thứ 3 là doanh nghiệp cần có chiến lược tái định vị doanh nghiệp. Có nghĩa là doanh nghiệp cần cải tổ mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng, cải tổ lại việc tương tác với khách hàng, đa dạng chuỗi cung ứng hàng hoá….
TS Thơm cho rằng, trong các giải pháp này, doanh nghiệp cũng cần lựa chọn và đưa ra những ưu tiên hợp lý ở từng giai đoạn cụ thể của dịch bệnh, cần linh hoạt, tránh máy móc…
PV