Khuyến mãi ngược, cảnh giác tối đa
Nhà nhà khuyến mãi
Khuyến mãi là hoạt động thương mại nhằm thúc đẩy việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ nhằm mang lại cho khách hàng những lợi ích nhất định. Trong bối cảnh có nhiều công ty, cửa hàng, siêu thị… cùng cung cấp một loại hàng hóa, dịch vụ để có thể thu hút khách hàng đến với mình, giải pháp khuyến mãi được xem là chọn lựa đầu tiên trong hàng loạt các biện pháp tiếp cận khác nhau. “Chúng tôi luôn chú trọng đến việc phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Việc giảm giá các sản phẩm của chúng tôi là một cách để tỏ lòng tri ân của công ty đối với các khách hàng trong thời gian qua”, đại diện một trung tâm mua sắm cho biết. “Các mặt hàng được giảm giá đều là hàng chất lượng cao, chế độ chăm sóc khách hàng cũng như bảo hành sản phẩm tốt…”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các biện pháp khuyến mãi như trên hiện đang được áp dụng một cách rộng rãi không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM mà khắp các tỉnh thành, những “chiến dịch khuyến mãi” rầm rộ liên tục được tổ chức một cách công khai. “Riêng với các công ty bán hàng công nghệ liên quan đến điện tử tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin… thì sau khi kết thúc chương trình khuyến mãi này, họ lại tiếp tục công bố một chương trình khuyến mãi khác”.
Lợi cho ai?
“Không nên tin các trò khuyến mãi”, chị Hằng – giáo vụ của Trường ĐH Hà Nội cho hay. “Hôm trước tôi đến siêu thị X mua chiếc điện thoại màn hình cảm ứng, nghe quảng cáo trên báo giảm giá đến 50%. Tuy nhiên, sau khi mua về mới biết mình chẳng được giảm 50% như thực tế mà còn mua mắc hơn ở các cửa hàng khác”. Trường hợp của chị Hằng không phải là ngoại lệ, trên nhiều diễn đàn ở Việt Nam nhiều thành viên lên tiếng phản ứng về hiện tượng các công ty quảng cáo khuyến mãi một cách rầm rộ nhưng thực chất chỉ là khuyến mãi “ngược”, và người mua tưởng mua được hàng tốt với giá rẻ nhưng thực tế ngược lại.
“Vấn đề mấu chốt của việc khuyến mãi ở đây là không có… khuyến mãi gì hết. Đánh vào thị hiếu muốn mua hàng giá rẻ của người tiêu dùng, các công ty thường dùng trò khuyến mãi ngược, theo đó, họ tăng giá sản phẩm lên 55% rồi thông báo giảm giá 50% và cuối cùng, khi khách hàng mua món hàng giảm giá 50% kia, công ty bán thậm chí còn lời thêm 5% tiền khi bán khuyến mãi. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh và khuyến mãi ngày nay đã đi ngược lại lợi ích người tiêu dùng, một nhà nghiên cứu cho biết. “Người tiêu dùng khi thấy giá giảm đã vội vàng, không kiểm tra lại thông tin từ các nguồn khác nhau, cuối cùng bị gạt bởi những trò khuyến mãi ngược này”.
Hậu quả về sau
Đem thắc mắc của các độc giả hỏi về việc mua hàng khuyến mãi nhưng giá lại cao hơn ở những chỗ khác, trưởng phòng chăm sóc khách hàng một siêu thị điện máy lớn ở Hà Nội cho biết “Đúng là các chỗ khác bán giá rẻ hơn chúng tôi thật, nhưng đấy là do thấy chúng tôi giảm giá nên các đối thủ cạnh tranh khác cũng giảm giá theo, còn phương án giải quyết của công ty là bán giá đó đã giảm X đồng không có gì là sai cả”. Theo một chuyên gia, dường như các công ty bán hàng khuyến mãi ngược đang sẵn sàng chấp nhận đánh mất niềm tin của khách hàng của mình chỉ nhằm để thu được lợi nhuận nhờ sự gian lận. “Có thể họ nghĩ Việt Nam có mấy chục triệu người và làm phật lòng vài triệu người cũng… không sao”.