Kiểm tra Bệnh viện LanQ: Sở Y tế Bắc Giang đã bỏ lọt lỗi?
(THĐS) - Sau khi báo chí phản ảnh về việc Bệnh viện Y học cổ truyền LanQ (Bắc Giang) tiếp tục tổ chức “lôi kéo” bệnh nhân tại Bắc Giang và các tỉnh khác đến khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT), Sở Y tế Bắc Giang đã vào cuộc rất nhanh để kiểm tra tình hình. Tuy nhiên công luận cũng cho rằng, liệu việc vào cuộc quá vội vã và chỉ khi có báo chí phản ảnh của Sở Y tế có mang tính thụ động không và liệu có bỏ sót lỗi hay không với cách triển khai công việc như vậy?
Nói nhanh mà cũng... chẳng nhanh
Ông Dương Quốc Dũng, Chánh thanh tra sở Y tế Bắc Giang cho biết, ngay ngày 18/3, khi thông tin về việc Bệnh viện Y học cổ truyền LanQ (Bệnh viện LanQ) chèo kéo và tổ chức khám bệnh theo đoàn... được báo chí phản ánh thì lãnh đạo sở Y tế đã chỉ đạo phải thành lập đoàn thanh tra để xác minh. Thanh tra đã phải lên phương án lập đoàn kiểm tra và lãnh đạo Sở đã ký quyết định ngay trong ngày 18/3 dù hôm đó là thứ bảy, ngày nghỉ.
Ảnh: Bệnh viện LanQ
Tiếp đó UBND tỉnh Bắc Giang cũng có văn bản chỉ đạo xác minh thông tin báo chí nêu vào ngày 20/3. Ông Dũng cũng cho biết, đã triển khai công việc hết sức khẩn trương và sở dĩ không tiến hành thanh tra mà thực hiện kiểm tra là do trình tự thanh tra theo quy định sẽ rất mất thời gian, có thể chậm trong khi đoàn kiểm tra có thể kiểm tra, xác minh được nhiều vấn đề không khác gì đoàn thanh tra mà lại đảm bảo nhanh, kịp thời. Ông Dũng cũng cho rằng nếu làm đủ các thủ tục theo quy định để tiến hành thanh tra thì bản thân bệnh viên LanQ hoàn toàn có đủ thời gian để đối phó và khi đoàn thanh tra tới nơi thì đã chẳng còn gì để thanh, kiểm tra nữa.
Việc đề xuất lập đoàn kiểm tra được thực hiện ngay ngày 18/3. Quyết định kiểm tra được phó giám đốc sở Y tế Trương Quang Vinh ký ngày 20/3. Nhưng thời điểm kiểm tra lại phải tới ngày 28/3 mới bắt đầu tức là sau tới 10 ngày kể từ lúc lập đoàn kiểm tra. Xem ra sáng kiến ký văn bản thành lập đoàn kiểm tra để nhanh thì cuối cùng cũng không nhanh và để bí mật thì cuối cùng cũng khó còn bí mật?
Nhiều vấn đề chưa sáng tỏ
Báo cáo của Sở Y tế Bắc Giang
Báo cáo kiểm tra của Sở Y tế Bắc Giang cho biết, bệnh viện LanQ khẳng định, không lôi kéo, vận động người dân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh, không có tình trạng lái xe thu thẻ BHYT để làm thủ tục thay cho người bệnh... Tuy nhiên quá trình kiểm tra thực tế tại bệnh viện, trong số 10 người được đoàn kiểm tra hỏi, có 1 người cho biết, trên xe có 1 người thu thẻ BH để làm thủ tục giúp. Đây cũng là người được BHYT thanh toán 100% chi phí. Nội dung này cho thấy những nghi ngờ gần đây của dư luận là có lý.
Trong khi đó, đoàn kiểm tra cũng không xác định được người thu thẻ bảo hiểm và đứng ra làm thủ tục “giúp” nói trên là ai, mối quan hệ giữa người thu thẻ và người được thu như thế nào? Tại sao họ lại cùng xuất hiện trên chuyến xe đó và quan hệ của họ với bệnh viện LanQ ra sao khi họ làm nhiệm vụ như vậy? Quá trình kiểm tra cần phải làm sáng tỏ những uẩn khúc nêu trên chứ không thể chỉ là “cam kết của cơ sở khám chữa bệnh là không tổ chức... theo đoàn và lái xe không thu thẻ BHYT của khách”. Một số bạn đọc bức xúc và có ý kiến như vậy.
Đối với việc xác minh xem bệnh viện LanQ có lập tổ cộng tác viên hay xây dựng mạng lưới nhân sự để môi giới, thu gom bệnh nhân hay không? Trên thực tế việc môi giới hay thu gom bệnh nhân chỉ là “vòng ngoài”, chưa phải bản chất sự việc cần làm rõ song đoàn kiểm tra lại mất khá nhiều thời gian cho nội dung này.
Bởi lẽ, cho dù LanQ có tổ chức mạng lưới thu gom bệnh nhân hay tài trợ tiền đi lại cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh thì đó vẫn là quyền tự quyết của bệnh viện? Công tác thanh tra hay kiểm tra không những không có lý do gì để phải xác minh làm rõ, các cơ quan chức năng cũng không có quyền cấm họ được tổ chức hoạt động marketing hay truyền thông để thu hút khách. Trái lại nếu họ làm tốt, họ hỗ trợ được bệnh nhân còn phải tổ chức khen thưởng và nhân rộng mô hình để các bệnh viện khác noi theo. Nhất là việc hỗ trợ này hoàn toàn không gây hại gì cho quỹ KCB BHYT?
Việc đoàn thanh tra đã mất phần lớn thời gian và công sức cho việc xác minh điều thực sự không quan trọng nêu trên là một sự lãng phí và có thể nói là “nhầm mục tiêu”. Sở dĩ chúng tôi cho rằng đó là điều không quan trọng vì, cho dù trên thực tế công tác kiểm tra không tìm ra một dấu hiệu nào về cái gọi là “cộng tác viên” thì các hoạt động thu gom bệnh nhân bao gồm từ tổ chức giới thiệu, môi giới, chi trả thù lao môi giới, hỗ trợ tiền xe cho bệnh nhân đi lại... cũng đã được LanQ thực hiện từ năm 2016 rất bài bản mà không cần lập bộ phận công tác mang tên “cộng tác viên”.
Dù không tìm thấy “lực lượng” có tên là “cộng tác viên của LanQ” nhưng những người giới thiệu, tập hợp, tổ chức đưa bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, có người đã làm việc cho LanQ 3 năm, 5 năm và có người cả gần chục năm liền. Cách thức thực hiện phải nói là rất “sáng tạo và nghệ thuật”: “Tiền trả cho môi giới hay hỗ trợ bệnh nhân là tiền thưởng của TGĐ, thưởng lại cho nhân viên kinh doanh rồi nhân viên kinh doanh thưởng lại cho người môi giới... không có bất kỳ quy chế hay văn bản chỉ đạo nào của lãnh đạo bệnh viện”.
Thực tế thì là vậy song trong báo cáo của Sở Y tế gửi UBND Tỉnh Bắc Giang, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam... đã dành tới quá nửa để báo cáo lại việc không có “cộng tác viên” này. Xem ra có vẻ Sở Y tế Bắc Giang, BHXH Bắc Giang đã mất quá nhiều thời gian để kiểm tra kỹ cái vỏ bọc hình thức mà “quên” mất bản chất của sự việc là trục lợi, thất thoát quỹ KCB BHYT nếu có, hoàn toàn không nằm ở việc bệnh viện hỗ trợ tiền đi lại cho bệnh nhân ...
Môi giới, thu gom bệnh nhân chỉ là bước 1. Việc trục lợi, gây thất thoát quỹ KCH BHYT nếu có sẽ nằm ở bước 2. Đó là kê thực phẩm chức năng, kê đơn thuốc quá mức cần thiết, bệnh không cần nội trú cũng nội trú, bệnh chỉ cần 3 ngày có thể kéo dài thời gian điều trị ra 10 ngày và cơ man các cách thức được thực hiện sáng tạo và nghệ thuật khác rất cần được sáng tỏ?!
Cần tiếp tục sớm làm rõ
Bệnh viện Y học cổ truyền LanQ.
Cũng theo báo cáo kiểm tra của Sở Y tế Bắc Giang, 6 tháng cuối năm 2018, bệnh viện LanQ đã tổ chức khám cho 54.725 lượt, trong đó đa tuyến ngoại tỉnh là 18.028 lượt (chiếm 32,9%). Tháng 1, tháng 2/2019, bệnh viện LanQ đã thực hiện khám 11.539 lượt, trong đó bệnh nhân ngoại tỉnh là 3.960 lượt (chiếm 32,9%). Các tỉnh có nhiều bệnh nhân đến khám được ghi nhận vẫn là Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội. Chi phí KCB BHYT trong 2 tháng đầu 2019 được ghi nhận là 7 tỷ 487 triệu đồng, trong đó đa tuyến ngoại tỉnh là 2 tỷ 464 triệu đồng. Chi phí bình quân cho 01 lượt khám chữa bệnh ngoại trú cao hơn so với dự toán. Nguyên nhân được đoàn kiểm tra xác định là: Do bệnh viện kê đơn nhiều vị thuốc y học cổ truyền có cùng tác dụng trong 1 đơn thuốc; 1 đơn thuốc có tới 17 – 20 vị/1 đơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Quốc Dũng, Chánh thanh tra Sở Y tế Bắc Giang nói: “Tôi đã báo cáo với lãnh đạo, thanh tra dù sao cũng có nhiều hạn chế, chúng tôi đã làm hết khả năng, nếu cần nữa, nên để cơ quan công an vào cuộc, phối hợp với Sở Y tế và BHXH”.
Công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế Bắc Giang nêu trên có thụ động và thiếu hiệu quả hay không? Rất cần UBND tỉnh Bắc Giang lưu ý và sớm có giải pháp để vừa đảm bảo uy tín cho bệnh viện LanQ, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, đảm bảo hiệu quả thực thi quản lý nhà nước của Sở Y tế cũng như chức năng của BHXH tỉnh Bắc Giang.
Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin...
Nhóm PV