Kiên Giang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số
Năm 2022, lĩnh vực xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh Kiên Giang đạt 9,63/13,5 điểm, xếp vị trí thứ 51/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 6 bậc so năm 2021 và đứng vị trí thứ 10/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tăng 2 bậc so với năm 2021.
Kiên Giang đẩy mạnh chuyển đổi số, chính quyền số, mang lại sự hài lòng cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh - Ảnh: VGP/TB.
Để cải thiện về điểm số và thứ hạng trong năm 2023, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, chính quyền số, nhằm mang lại sự hài lòng cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Tỉnh cũng ban hành các văn bản, quy định, quy chế kịp thời phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, chính quyền số của tỉnh; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh ban hành quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo, thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang năm 2023.
Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả việc triển khai, khai thác sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước của tỉnh, phục vụ hoạt động công vụ; hoàn thành bảo trì, bảo dưỡng, giám sát an toàn thông tin hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng và hệ thống mạng nội bộ tại 144/144 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, kết nối với hệ thống giám sát của Cục Bưu điện Trung ương (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Các trang thiết bị và hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hoạt động hành chính tại cơ quan nhà nước các cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu. Hệ thống trang thiết bị CNTT, mạng kết nối phục vụ hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) các cấp được rà soát, khảo sát và đầu tư bổ sung nhằm nâng cấp nâng cao chất lượng hoạt động (đầu tư bổ sung 144 máy scan chuyên dụng hỗ trợ số hóa hồ sơ TTHC cấp xã). Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện thuận lợi để công chức tại Bộ phận Một cửa thực hiện giải quyết TTHC.
Trung tâm dữ liệu (TTDL) tỉnh Kiên Giang được vận hành và quản lý bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, là hạ tầng trọng yếu phục vụ các ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Quá trình vận hành trong 3 quý đầu năm 2023 về cơ bản đảm bảo an toàn hiệu quả 24/7, hạ tầng được bảo trì, bảo dưỡng và rà soát an toàn thông tin theo quy định. Bảo trì, bảo dưỡng tốt các hệ thống dùng chung từ tỉnh đến cấp xã. Hỗ trợ vận hành kỹ thuật cho các phần mềm tác nghiệp của các sở, ban, ngành và các địa phương.
Hiện nay, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) được vận hành ổn định, thông suốt đáp ứng yêu cầu kết nối chia sẻ và khai thác dữ liệu từ các hệ thống thông tin nội tỉnh đến các hệ thống, cở sở dữ liệu của bộ, ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia. Đến quý 3/2023, hệ thống ghi nhận 575.334 giao dịch đã được thực hiện trong nhóm 22 dịch vụ nền tảng đang vận hành. Tập trung tại các dịch vụ nền tảng văn bản, dịch vụ kết nối hệ thống lý lịch tư pháp, dịch vụ kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia; dịch vụ kết nối thông tin bảo hiểm xã hội…
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và quốc gia (NGSP, NDXP), gồm: cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội; Cổng dịch vụ công quốc gia, thanh toán trực tuyến PayGov; trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP - Văn phòng Chính phủ); hệ thống thông tin báo cáo quốc gia (Văn phòng Chính phủ); dịch vụ kết nối bưu chính công ích; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); dịch vụ kết nối doanh nghiệp dùng chung (Bộ Thông tin và Truyền thông); kết nối hệ thống tư pháp - hộ tịch, hệ thống lý lịch tư pháp (Bộ Tư pháp); dịch vụ kết nối văn bản quy phạm pháp luật; dịch vụ cấp mã số cho các đơn vị có quan hệ ngân sách (Bộ Tài chính); cơ sở dữ liệu dân cư (Bộ Công an).
Kiên Giang cũng đẩy mạnh phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ chính quyền số, bảo đảm không trùng lặp, cập nhật, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia theo yêu cầu và thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Triển khai quy trình xây dựng Cổng dữ liệu số tỉnh kết nối với Cổng dữ liệu số quốc gia; tiến hành dự án số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC tỉnh, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục phát huy các ứng nền tảng hiện có để hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng hiệu quả, như: hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến xã; hệ thống Văn phòng điện tử; hệ thống thông tin báo cáo, nền tảng họp trực tuyến qua thiết bị đầu cuối; họp không giấy; hệ thống thư điện tử công vụ; chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng internet; biểu mẫu, chế độ báo cáo; chuẩn hóa hệ thống thông tin giải quyết TTHC; ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện, nâng cao trải nghiệm người dùng dịch vụ công, tiếp thu ý kiến người dân và doanh nghiệp khi xây dựng, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC vận hành đảm bảo liên thông giữa 100% sở, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã giúp người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ trên môi trường mạng.
Đến ngày 15/6/2023 hệ thống đã tiếp nhận 187.330 hồ sơ (có 79.977 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến thuộc 67 dịch vụ công trực tuyến một phần và 214 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chiếm tỷ lệ 42,7%) và trong quý 3/2023, hệ thống đã tiếp nhận 306.772 hồ sơ (141.287 hồ sơ nộp với hình thức trực tuyến). Có 104.834 hồ sơ được số hóa thành phần đạt tỷ lệ 34,17%, có 10.436 hồ sơ được số hóa kết quả giải quyết đạt tỷ lệ 4%. Kết quả giải quyết được cung cấp công khai trên Cổng https://dichvucong.kiengiang.gov.vn, liên thông công bố trên Cổng dịch vụ công quốc gia https://dichvucong.gov.vn, việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, đạt 11,48%.
Theo Báo điện tử Chính phủ