Kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 hàng năm
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ xem xét từ năm 2022, việc tăng lương tối thiểu cho người lao động bắt đầu từ 1/7 hàng năm, thay vì vào 1/1 như hiện tại.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận hội nghị Thủ tướng và đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) cùng 27 tỉnh, thành phố về vấn đề việc làm bền vững, mức sống, điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Chính phủ đã có ý kiến về kiến nghị của Tổng LĐLĐ liên quan đến điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021 và thời điểm bắt đầu thực hiện tăng lương tối thiểu.
Chính phủ giao Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu kiến nghị điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 và việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ ngày 1/7 hàng năm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ để đề xuất, báo cáo Chính phủ trước quý II năm 2021.
Ngoài ra, Tổng LĐLĐ phối hợp tốt với bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động vùng sâu, vùng xa... để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm.
Kiến nghị đưa giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc
Về đề nghị có quy định cụ thể nhà công vụ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phải bảo đảm các điều kiện như có công trình vệ sinh, nước hợp vệ sinh khi phê duyệt kế hoạch, đề án, chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học.
Đề nghị nghiên cứu bổ sung nghề nghiệp nặng nhọc đối với giáo viên bậc học mầm non. |
Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức tổng kết đánh giá đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015.
Lộ trình đến năm 2020, trong đó xác định số lượng phòng học cần kiên cố hóa, danh mục công trình cần được đầu tư xây dựng; tổng hợp, đề xuất giải quyết những phát sinh trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng để làm căn cứ xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình cho các giai đoạn tiếp theo.
Tổng LĐLĐ cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ LĐTB&XH nghiên cứu bổ sung nghề nghiệp nặng nhọc đối với giáo viên bậc học mầm non, giáo viên dạy môn giáo dục thể chất; các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà các cơ quan chức năng trong Quân đội đề xuất.
Về việc này, Chính phủ giao Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, rà soát, xây dựng thông tư hướng dẫn xác định danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hướng dẫn cụ thể các trường hợp được đề xuất.
PV (T/h)