Kinh nghiệm của doanh nghiệp áp dụng sản xuất thông minh trên thế giới

10:49, 17/10/2024

Sản xuất thông minh là mô hình kết nối tất cả công đoạn sản xuất bằng công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải quyết các vấn đề tại công xưởng, đối ứng nhanh với yêu cầu mới từ thị trường. Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng sản xuất thông minh và mang đến kết quả nhất định.

Sản xuất thông minh được hiểu là quy trình sử dụng máy móc kết nối internet để giám sát quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Mục tiêu chính của sản xuất thông minh là xác định các cơ hội để tự động hóa hoạt động sản xuất và sử dụng phân tích dữ liệu cải thiện hiệu suất tổng thể của quy trình sản xuất.

Trong thời đại sản xuất thông minh, toàn bộ chuỗi sản xuất, bao gồm nhà cung cấp, hậu cần và quản lý vòng đời sản phẩm sẽ được kết nối qua các doanh nghiệp.

Sản xuất thông minh là mô hình kết nối tất cả công đoạn sản xuất bằng công nghệ số. (Ảnh minh họa)

Có thể kể đến một số mô hình doanh nghiệp điển hình áp dụng sản xuất thông minh trên thế giới như sau:

Công ty Nhật Bản Hirotec Group (Japanese company Hirotec Group) là một trong những công ty sản xuất tư nhân lớn nhất thị trường ô tô toàn cầu, đã áp dụng sản xuất thông minh để giải quyết thời gian ngừng hoạt động ngoài dự kiến của doanh nghiệp.

Một trong những ưu tiên quan trọng của Hirotec là đảm bảo hoạt động liên tục, giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động ngoài dự kiến trong các cơ sở sản xuất của mình. Với sự ra đời của các mô hình sản xuất thông minh, Hirotec nhận ra rằng “phân tích dự đoán” là chìa khóa nhằm đạt được cải tiến trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bằng cách loại bỏ thời gian ngừng hoạt động ngoài dự kiến.

Để đạt được điều này, công ty đã tích hợp nền tảng Internet vạn vật (IoT) từ đối tác PTC của Hewlett Packard Enterprise (HPE) với các hệ thống HPE Edgeline, qua đó tăng cường khả năng phân tích dự đoán.

Hirotec đã hoàn thành 03 thử nghiệm dựa trên nền tảng IoT. Dữ liệu đầu tiên được thu thập và phân tích từ 8 máy điều khiển số máy tính (Computer Numerical Control, CNC) trong nhà máy Hirotec tại Detroit. Trong một thử điểm khác, Hirotec đã triển khai nền tảng để thực hiện hình ảnh từ xa của dây chuyền kiểm tra hệ thống xả tự động.

Nguồn dữ liệu cho thử nghiệm này bao gồm: robot kiểm tra, cảm biến lực, thiết bị đo laser và máy ảnh. Ngoài ra, Hirotec triển khai hệ thống để thực hiện trực quan hóa thời gian thực và thực hiện việc báo cáo tự động về toàn bộ dây chuyền sản xuất của một cơ sở sản xuất cửa ô tô.

Thông qua các thử nghiệm, Hirotec đã thành công trong việc hiển thị thời gian thực trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó cho phép công ty giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến hiệu suất, hiệu quả của doanh nghiệp. Giải pháp này cũng giúp Hirotec dự đoán và ngăn ngừa sự cố trong các hệ thống quan trọng như dây chuyền kiểm tra hệ thống xả của doanh nghiệp.

Hay tại Tập đoàn AW North Carolina (AWNC) là nhà sản xuất các bộ phận truyền và tự động, đang sử dụng công nghệ sản xuất thông minh của Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Cisco để cải thiện hiệu quả của nhà máy sản xuất.

Với hơn 2.000 nhân viên, nhà máy AWNC 1,3 triệu feet vuông đã cung cấp cho Toyota hơn 600.000 lượt truyền mỗi năm. Với hơn 3.000 lượt truyền đến từ mỗi nhà máy hàng ngày, việc ngừng hoạt động sẽ gây tổn thất to lớn cho doanh nghiệp.

AWNC đã triển khai hệ thống liên lạc thống nhất trong các nhà máy. AWNC đã cài đặt cơ sở hạ tầng mạng của Cisco với các điểm truy cập, bộ chuyển mạch và bộ điều khiển để phủ sóng Wi-Fi an toàn tới hơn một triệu feet vuông của nhà máy. Ngoài ra, một hệ thống FlexPod mới cung cấp tính toán mạng và lưu trữ tích hợp. Các giải pháp FlexPod bao gồm máy chủ Hệ thống điện toán hợp nhất của Cisco (Cisco Unified Computing System, Cisco UCS), thiết bị chuyển mạch Nexus của Cisco và hệ thống lưu trữ hợp nhất NetApp. Kiến trúc FlexPod có thể được tối ưu hóa cho phép nhiều công việc hỗn hợp được thực hiện trong “môi trường sản xuất thực” và “môi trường sản xuất ảo”.

Nền tảng sản xuất thông minh đã giúp AWNC áp dụng công nghệ điện toán đám mây, triển khai công cụ kế hoạch tài nguyên doanh nghiệp (ERP) và Hệ thống thực thi sản xuất (MES) mới để tự động hóa và phân tích dữ liệu, quy trình của doanh nghiệp. Việc áp dụng công nghệ này giúp doanh nghiệp không bị gián đoạn hoặc dừng thời gian hoạt động.

Các chuyên gia khẳng định, sản xuất thông minh là mô hình kết nối tất cả công đoạn sản xuất bằng công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải quyết các vấn đề tại công xưởng, đối ứng nhanh với yêu cầu mới từ thị trường. Việc áp dụng sản xuất thông minh sẽ tối ưu hóa quá trình sản xuất và đây cũng là mô hình sản xuất tất yếu trong tương lai.