"Ông lớn" công nghệ Google tham gia lĩnh vực điện nhiệt hạch

05:00, 03/07/2025

Alphabet - công ty mẹ của Google vừa cho biết đã đạt được thỏa thuận mua điện từ một dự án ở Virginia sử dụng năng lượng nhiệt hạch vốn chưa được thương mại hóa trên Trái đất...

Google gọi đây là thỏa thuận mua điện trực tiếp đầu tiên giữa một doanh nghiệp với một công ty nhiệt hạch. Đối tác của họ là Commonwealth Fusion Systems (CFS), một công ty tách ra từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 2018. Thoả thuận đánh dấu cam kết thương mại đầu tiên của "ông lớn" công nghệ này đối với lĩnh vực điện nhiệt hạch.

Google đã công bố kế hoạch mua 200 megawatt điện nhiệt hạch sạch từ nhà máy điện nhiệt hạch quy mô lưới điện đầu tiên trên thế giới, được gọi là ARC, có trụ sở tại Chesterfield, Virginia (Mỹ).

Theo Commonwealth Fusion Systems, ARC dự kiến sẽ đi vào hoạt động và tạo ra 400 megawatt điện sạch, không phát thải carbon vào đầu những năm 2030, đủ năng lượng để cung cấp điện cho các khu công nghiệp lớn hoặc đáp ứng nhu cầu điện của khoảng 150.000 hộ gia đình. Thỏa thuận này cũng cho phép Google có quyền tùy chọn mua điện từ các nhà máy ARC bổ sung.

CFS đặt mục tiêu tạo ra điện từ dự án ARC vào đầu thập niên 2030, nhưng trước hết họ phải vượt qua các rào cản khoa học. Ông Bob Mumgaard, CEO kiêm đồng sáng lập CFS chia sẻ rằng "nếu không có quan hệ đối tác và không dám đặt ra mục tiêu táo bạo để theo đuổi nó, bạn sẽ không bao giờ vượt qua được những thách thức đó".

Google cũng thông báo đang tăng mức đầu tư vào CFS, nhưng không công bố con số cụ thể. Trước đó, năm 2021, Google nằm trong số nhiều nhà đầu tư đã rót tổng cộng 1,8 tỉ USD vào CFS. Ông Mumgaard tiết lộ vòng gọi vốn hiện tại của CFS có quy mô tương đương với vòng năm 2021.

CFS đang xây dựng nhà máy nguyên mẫu SPARC tại Massachusetts. (Nguồn: CFS)

Ông Michael Terrell, người đứng đầu bộ phận năng lượng tiên tiến tại Google chia sẻ doanh nghiệp rất lạc quan khi đầu tư dài hạn vào một công nghệ có tiềm năng biến đổi để đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới và hỗ trợ Commonwealth Fusion Systems trong nỗ lực đạt được các cột mốc khoa học, kỹ thuật cần thiết để hướng tới mục tiêu trên.

Tuy nhiên, để một nhà máy nhiệt hạch có thể tạo ra điện thương mại, các phản ứng phải diễn ra liên tục, chứ không chỉ là các sự kiện hiếm hoi. Ông Michael Terrell thừa nhận vẫn còn nhiều thách thức vật lý và kỹ thuật nghiêm trọng mà chúng tôi cần vượt qua để biến công nghệ này thành sản phẩm có thể thương mại hóa và mở rộng quy mô. "Nhưng đó chính là lý do vì sao chúng tôi muốn đầu tư ngay từ bây giờ để hướng tới tương lai," ông nhấn mạnh.

Commonwealth Fusion Systems là một trong số nhiều công ty đang chạy đua để đạt được năng lượng nhiệt hạch quy mô thương mại, trong khi Google cũng đã đầu tư vào các công ty khác. Mới đây, Google đã công bố tiếp tục tài trợ cho TAE Technologies, một công ty năng lượng nhiệt hạch có trụ sở tại California (Mỹ).

Phản ứng nhiệt hạch hay còn gọi là phản ứng tổng hợp hạt nhân là công nghệ được coi là lời giải cho bài toán đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới. Khác với phản ứng phân hạch - kỹ thuật đang được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân, phản ứng nhiệt hạch là quá trình kết hợp giữa hai hạt nhân nguyên tử trở lên với nhau thay vì tách một hạt nhân ra.

Khi trí tuệ nhân tạo và các trung tâm dữ liệu ngày càng làm tăng nhu cầu sử dụng điện trên toàn cầu, mối quan tâm đối với nhiệt hạch cũng tăng theo. Ngoài ra, nếu thành công, công nghệ này có thể góp phần chống biến đổi khí hậu.