Kinh tế số ASEAN: Bùng nổ với quy mô 2.000 tỷ USD vào năm 2030

16:22, 18/10/2024

Nền kinh tế số ASEAN đang trên đà phát triển vượt bậc, dự kiến đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2030. Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội vàng này để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 17/10, triển khai Kế hoạch công tác 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về tình hình và định hướng hợp tác ASEAN, với sự tham gia của lãnh đạo vụ của nhiều bộ gồm: Ngoại giao, Công Thương, Lao động Thương binh và Xã hội. 

Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu. Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN và đang chủ động triển khai rất nhiều các chương trình, sáng kiến hợp tác để nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN nói chung cũng như vai trò của Việt Nam nói riêng trong việc đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của khu vực và của thế giới.

Kinh tế số ASEAN: Hướng tới quy mô 2.000 tỷ USD vào năm 2030.

Theo ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), các đối tác ASEAN khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công nghệ với khu vực.

Trong đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục cùng ASEAN tăng cường kết nối thanh toán xuyên biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế số, phát triển xanh. Hàn Quốc thiết lập đối tác chiến lược toàn diện liên quan  chuyển đổi số, AI,… Nhật Bản nhấn mạnh hợp tác sáng kiến kết nối toàn diện về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, an ninh mạng,... 

Đáng chú ý, sau 8 năm triển khai kế hoạch xây dựng cộng đồng ASEAN, năm 2023, GDP khu vực ASEAN tăng 51%, quy mô nền kinh tế đạt 3.800 tỷ USD, đứng thứ 5 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng chung đạt 4,2%. Vốn đầu tư FDI vào khu vực ASEAN năm 2023 đứng thứ 2 toàn cầu (chỉ sau Mỹ). Quy mô nền kinh tế ASEAN dự kiến đứng thứ 4 trên thế giới vào 2030. Ở thời điểm đó, quy mô nền kinh tế số ASEAN sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ USD.

Theo bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, sau 29 năm Việt Nam gia nhập, ASEAN đã trở thành một trong những diễn đàn đa phương quan trọng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, nền kinh tế khu vực ASEAN vẫn cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực.

GDP của cả khu vực ASEAN đã tăng hơn 4% trong năm qua, dự kiến tăng trưởng 4,6% trong năm nay. Về thương mại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, tiếp theo là Mỹ và EU. Tổng dòng vốn FDI vào ASEAN năm 2023 đạt 229 tỷ USD, với Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất. Các nước trong khu vực đã hoàn thành 9/14 sáng kiến kinh tế ưu tiên trong năm Lào là nước Chủ tịch ASEAN.

ASEAN hiện đang thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế sâu rộng và hợp tác hơn nữa trong các hoạt động thương mại nội khối, kết nối với các đối tác ngoại khối nhằm ứng phó và giải quyết các thách thức, tăng cường chuỗi cung ứng trong khu vực. Chuyển đổi số được các nước ASEAN coi là động lực tăng trưởng chủ yếu trong giai đoạn tới.