Kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong phục hồi sau dịch Covid-19
Chuyển sang tăng trưởng bền vững, carbon thấp là chiến lược hiệu quả cho phục hồi và tái thiết ổn định sau Covid-19 của khu vực ASEAN.
- Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Kinh tế số G20
- Khai mạc diễn đàn Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí
- Đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á
- Thái Lan tăng tốc phát triển 5G, kích thích phát triển kinh tế sau COVID-19
- Thế giới thời hậu Covid-19 và sự phục hồi kinh tế ở nước ta
Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN (EU-ABC), tiếng nói chính thức của doanh nghiệp châu Âu tại Đông Nam Á (ASEAN), vừa công bố Bản tuyên cáo lập trường “Thúc đẩy Chương trình hành động kinh tế tuần hoàn của ASEAN”, phác thảo giá trị của các mô hình kinh tế tuần hoàn đóng góp vào các chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Cùng với tầm nhìn khu vực về một ASEAN gắn kết và đáp ứng, EU-ABC xác định tính tuần hoàn là một chất xúc tác cho tăng trưởng bền vững, đưa ra những khuyến nghị không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế xã hội do Covid-19 gây ra, mà còn thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Các mô hình kinh tế tuyến tính dựa trên giả định về những nguồn lực vô hạn cùng khả năng hấp thụ rác thải đã tạo ra một hệ lụy về tính dễ tổn thương và sự dịch chuyển không bền vững của nền kinh tế. Trong khi đó, các mô hình nền kinh tế tuần hoàn được thiết kế để tách bạch tăng trưởng kinh tế ra khỏi việc sử dụng tài nguyên, cho phép các doanh nghiệp, xã hội và cả môi trường cùng tương hỗ nhau phát triển mạnh mẽ.
Năng lượng xanh là giải pháp đang được khuyến khích sử dụng
Donald Kanak, Chủ tịch của EU-ABC kiêm Chủ tịch quỹ đầu tư Eastspring Investments, cho biết, “Mô hình kinh tế tuần hoàn cung cấp nền tảng có khả năng phục hồi, tính sẵn sàng và cạnh trạnh cao, mang lại những lợi ích quan trọng cho cả nền kinh tế và môi trường sống mở mọi cấp độ. Điều này sẽ rất quan trọng trong giải quyết các bất ổn của môi trường do biến đổi khí hậu và lượng rác thải ngày càng tăng của các nền kinh tế và dân số mở rộng nhanh chóng trong khu vực ASEAN”.
Trong khi cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn chạm tới mọi khía cạnh và hình thức của rác thải, bản tuyên cáo của EU-ABC nhấn mạnh tính cấp thiết phải giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Theo Liên Hiệp Quốc, các thành phố Đông Nam Á chịu trách nhiệm tới 60% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu, với nhựa chiếm tới 18% chất thải đô thị của ASEAN. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn do việc đổ và đốt rác không được kiểm soát, cùng với cơ sở hạ tầng bị hạn chế trong việc hỗ trợ xử lý chất thải nhựa đúng cách.
Do không được giám sát, những hành động này không chỉ làm trầm trọng hơn vấn đề biến đổi khí hậu, mà còn gây ra những khoản chi phí đáng kể cho ASEAN. Xem xét những vấn đề này một cách toàn diện, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính rác thải bao bì nhựa đã tiêu tốn của kinh tế toàn cầu từ 80 tới 120 tỉ USD mỗi năm, trong khi đó Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) nhận thấy rác nhựa đã gây tổn hại tới 1,3 tỉ USD mỗi năm cho các ngành du lịch, ngư nghiệp và vận tải của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bản Tuyên cáo lập trường của EU-ABC được đưa ra đúng thời điểm các thành viên ASEAN bắt đầu thảo luận và triển khai nhiều chiến lược phục hồi sau Covid-19, mở ra cơ hội điều chỉnh lại các nền kinh tế cho tăng trưởng bền vững. Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ nhóm họp một lần nữa qua hội nghị video vào ngày 30.7 để thảo luận về các kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch của khu vực.
Châu Anh