Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021): Đi theo con đường cách mạng vô sản - Lựa chọn đúng đắn cho dân tộc Việt Nam

07:41, 04/06/2021

Trong thời gian 10 năm hoạt động ở nước ngoài (1911-1920), Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu những cuộc cách mạng tiêu biểu thành công trên thế giới. Cuối cùng Người quyết định đi theo con đường cách mạng vô sản bởi đó là cuộc cách mạng triệt để nhất, phù hợp nhất với thực tiễn Việt Nam.

Khi hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu sâu sắc những cuộc cách mạng thành công tiêu biểu trên thế giới. Ng­ười thấy đ­ược giá trị lớn của cuộc cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp, đồng thời cũng phân tích tính chưa triệt để những hạn chế của các cuộc cách mạng đó. Với cách mạng Mỹ (năm 1776), Nguyễn Ái Quốc chỉ ra: “Mỹ tuy rằng cách mạnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai. Ấy là vì cách mệnh Mỹ là cách mệnh tư­ bản, mà cách mệnh tư­ bản là chư­a phải cách mệnh đến nơi. Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng sẽ nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(1).

Khi nghiên cứu cuộc cách mạng Pháp (năm 1789), Người nhận thấy: “T­ư bản nó dùng chữ Tự do, Bình đẳng, Đồng bào để nó lừa dân, xúi dân đánh đổ phong kiến. Khi dân đánh đổ phong kiến rồi, thì nó lại thay phong kiến mà áp bức dân”(2). Ng­ười đi đến kết luận: “Cách mệnh Pháp cũng như­ cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư­ bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó t­ước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải m­ưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mạng An Nam nên nhớ những điều ấy”(3). Từ những nghiên cứu về hai cuộc cách tư sản tiêu biểu trên Nguyễn Ái Quốc khẳng định một cách rứt khoát. Con đường cách mạng Tư sản không thể đưa lại độc lập, tự do và hạnh phúc thực sự cho nhân dân các nước nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng.

Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước ngày 05/6/1911 (Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công năm 1917, Nhà nước Xô Viết Nga được thành lập. Hàng triệu người trên thế giới đã hướng về nước Nga Xô Viết. Vào tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc (từ năm 1919 Người đã đổi tên từ Nguyễn Tất Thành sang tên Nguyễn Ái Quốc – với ý nghĩa một người họ Nguyễn yêu nước), được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.LêNin đăng trên báo Nhân đạo. Nghiên cứu về cách mạng tháng Mười Nga, dưới ánh sáng luận cương của V.I.LêNin, Người quyết định đi theo con đường vô sản và khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng đ­ược hư­ởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải là tự do và bình đẳng giả dối nh­ư đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”(4). Lý do nhận định cách mạng tháng Mười Nga thành công đến nơi đến chốn được lý giải sâu sắc: “Cách mệnh Nga đã đuổi đ­ược vua, t­ư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các n­ước và các dân bị áp bức thuộc địa làm cách mệnh để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư­ bản trong thế giới”(5).

Như vậy sau 10 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, từ tháng 6-1911 đến tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc phù hợp với cách mạng Việt Nam. Những luận điểm cách mạng mới mẻ của V.I.LêNin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã giải đáp được những vấn đề lý luận cơ bản và chỉ dẫn hướng phát triển của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc cho các dân tộc thuộc địa. Lý luận của V.I.LêNin và lập trường đúng đắn của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) về cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa là cơ sở để Nguyễn Ái Quốc xác định thái độ ủng hộ, bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (tháng 12-1920). Đây cũng là sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển biến quan trọng nhất trong tư tưởng và lập trường chính trị cho Người và cho cả dân tộc Việt Nam - từ Chủ nghĩa yêu nước đến với Chủ nghĩa cộng sản. Từ đây mở ra cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam một giai đoạn phát triển mới “gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác -Lênin”(6). Từ đây cách mạng Việt Nam đã đi theo, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng tháng Mười Nga (năm 1917) thành công thôi thúc Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cách mạng vô sản. (Nguồn ảnh: Britannica)

Nguyễn Ái Quốc từ người tìm đường trở thành người dẫn đường cho cách mạng Việt Nam, với những đóng góp to lớn có tính quyết định cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã chuẩn bị đầy đủ các tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức vững chắc cho việc ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Xác định giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc đã chấm dứt được tình trạng “khủng hoảng” đường lối của dân tộc Việt Nam suốt một thời gian dài. Đồng thời gắn liền cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận của cách mạng thế giới.

Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã giải phóng dân tộc, thống nhất non sông, thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã chứng minh tính đúng đắn của con đường cách mạng vô sản là con đường duy nhất phù hợp với Việt Nam. Sự lựa chọn đó chẳng những có tác dụng trực tiếp vạch đường cho cách mạng Việt Nam, mà còn có gía trị định hướng cho các dân tộc thuộc địa khác vùng lên đấu tranh giải phóng cho chính mình.

Trương Huy

DANH MỤC TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, T2, tr.270.
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, T2, tr.274.
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, T2, tr.274.
  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, T2, tr.280.
  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, T2, tr.280.
  6. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do tiến lên Chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, H1970, tr.10.