Kỷ niệm 13 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội (1/8/2008-1/8/2021): Vượt qua gian khó, vững bước thành công
Kể từ ngày thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Thủ đô đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thành phố luôn chủ động biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực để vươn đến thành công.
Tiếp tục khẳng định vị trí
Cách đây đúng 13 năm (1/8/2008-1/8/2021), thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Hà Nội chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Nhìn lại chặng đường 13 năm, Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu của cả nước. Thủ đô thay đổi mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Từ những con đường ngày càng khang trang, hiện đại hơn nhờ hàng loạt dự án giao thông, khu đô thị mới hình thành đến kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực, công cuộc xây dựng nông thôn mới với số xã đạt chuẩn nông thôn mới đứng đầu cả nước.
Trong gian khó, Hà Nội đã cho thấy sức chịu đựng bền bỉ mà qua các đợt dịch Covid-19 vừa qua là minh chứng. Khi dịch Covid-19 bùng phát làm cho hầu hết các nền kinh tế của thế giới tăng trưởng âm năm 2020 thì Việt Nam nằm trong tốp các nước tăng trưởng cao nhất châu Á, trong đó có đóng góp quan trọng của Hà Nội với mức tăng trưởng 3,98%, cao hơn mức bình quân cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) năm 2020 theo công bố của Tổng cục Thống kê tăng 4,18%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 287.555 tỷ đồng, đạt 103,1% dự toán.
Sau 13 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô thay đổi mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. |
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội và cả nước phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 3 và thứ 4. Thành phố đã quyết liệt thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế”. Qua đó, mặc dù tiếp tục chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng. GRDP quý II tăng trưởng 6,61% cao hơn Quý I (5,17%) góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức tăng chung cả nước (5,64%) và cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 (2,92%). Thu ngân sách đạt 125.562 tỷ đồng, bằng 53,3% dự toán Trung ương giao.
Không chỉ vậy, Thành phố cũng chỉ đạo tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đôn đốc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm thứ 3 liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được duy trì tốt, đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng... Thành phố chủ trương mạnh công tác quy hoạch, phấn đấu phủ kín quy hoạch tiến tới quản lý theo quy hoạch. Đã phê duyệt 6 đồ án Quy hoạch phân khu nội đô H1 và tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch phân khu còn lại.
Ngoài ra, trên địa bàn Thủ đô, trật tự an toàn giao thông được giữ vững, nước sạch được cung cấp liên tục, không xảy ra thiếu cục bộ… An sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Công tác quốc phòng tiếp tục được chỉ đạo, thực hiện tốt. Thành phố duy trì nghiêm công tác sẵn sàng chiến đấu, trực cứu hộ, cứu nạn, ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, cháy nổ; tiếp nhận, vận chuyển, quản lý và bảo đảm điều kiện cho công tác cách ly liên quan đến Covid-19.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo sức khỏe của nhân dân, Thành phố đã không ngừng xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản chống dịch cụ thể, trong đó xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra. Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phù hợp với diễn biến của dịch bệnh: Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp “5K”; kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; xét nghiệm diện rộng khi có ca nhiễm để phát hiện sơm, cách ly nhanh, khoanh vùng gọn và truy vết triệt để; thành lập và quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung trên địa bàn; bố trí nhân lực, vật lực phòng chống dịch cũng như hỗ trợ các tỉnh bạn…
Hà Nội thực hiện chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 với sự chủ động trong dự báo, nắm tình hình; khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp; thần tốc trong truy vết, xét nghiệm... cùng với những sáng tạo mang lại hiệu quả trên thực tiễn, như khoanh vùng “3 lớp”, thực hiện phương châm “3 trước” và “4 tại chỗ”...
Nhằm chặn đứng nguồn lây lan của dịch bệnh, hiện nay, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn. Đây là một giải pháp chủ động, quyết liệt, kịp thời của chính quyền Thủ đô trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, dù trong bất kì tình huống nào, Thành phố luôn ưu tiên thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng.
Biến khó khăn, thách thức thành động lực phát triển
Thời gian này, về vùng ven đô của Thủ đô, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm chưa mở rộng và Hà Nội hôm nay. Sự phát triển mang tính bứt phá, xoá nhoà dần đi những hình ảnh khó khăn của những vùng nông thôn, miền núi ở ngày đầu hợp nhất. Hà Nội đã giải nhiều bài toán khó về sự mất cân đối, quá tải trên nhiều lĩnh vực trọng điểm, tồn tại từ trước khi mở rộng địa giới hành chính.
Từ nay đến cuối năm, Thành phố đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, lường trước những tác động của dịch bệnh. |
Năm 2008, khi từ Hòa Bình “về” Hà Nội, đời sống đồng bào dân tộc Mường ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) vẫn nhiều khó khăn. Đến nay, Tiến Xuân đã khác xưa. Nhìn Tiến Xuân thời điểm này, hẳn ít người biết chỉ cách đây hơn một thập kỷ trước, nói về Tiến Xuân cùng với Yên Trung, Yên Bình, Đông Xuân là nói về bốn xã xa xôi, heo hút. Nào là đường đi khó khăn, núi đồi trùng điệp, ban đêm chỉ có ánh đèn dầu heo hắt vì chưa có điện sinh hoạt... Bây giờ, đường về các xã “vùng khó” năm nào được trải nhựa phẳng lỳ, ô tô, xe máy chạy bon bon qua những vạt ruộng thẳng cánh cò bay, những đồi sắn xanh mướt trải dài.
Ông Đinh Công Lực - Trưởng Thôn 3 kể, chỉ trong vòng ít năm Tiến Xuân được Thành phố và huyện quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Theo tìm hiểu, Tiến Xuân còn là xã đầu tiên trong số các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi của thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới. Là xã dân tộc miền núi nhưng đến nay, thu nhập bình quân của Tiến Xuân đã đạt 62 triệu đồng/người/năm.
Không chỉ riêng với xã Tiến Xuân, sau 13 năm hợp nhất, Thành phố đã có nhiều giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị để luôn xứng đáng với vị trí, vai trò và trách nhiệm là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.
Từ mốc kỷ niệm 13 năm Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính nhìn về tương lai dễ thấy khó khăn, thách thức đặt ra với Thủ đô không hề nhỏ. Ngay trong thời điểm này, dịch Covid-19 đang bùng phát. Trước bối cảnh đó, Thành phố đang kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, trước mắt là kiềm chế dịch Covid-19 và thực hiện thành công 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Từ nay đến cuối năm, Thành phố đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, lường trước những tác động của dịch bệnh, quyết tâm đạt mức tăng GRDP 6,12-7,5%. Ngoài ra, Thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tổ chức, chỉ đạo triển khai Kế hoạch thực hiện 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy.
Hoàn thành nhiệm vụ Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; xác định các đồ án trọng tâm, cấp thiết thực hiện trong năm 2021, phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp và đầu tư xây dựng. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm. Phối hợp tốt với Bộ Giao thông vận tải để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hà Nội còn đang tập trung bắt tay khai mở dự án xây dựng đường Vành đai 4 và cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ.
Với những thành công ấn tượng sau 13 năm điều chỉnh địa giới hành chính cùng bản lĩnh không bao giờ lùi bước được tôi luyện qua những gian khó, chắc chắn Hà Nội sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới.
Theo/laodongthudo.vn