Ký ức tự hào ngày trở về tiếp quản Thủ đô

12:25, 10/10/2024

70 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày tiếp quản Thủ đô vẫn mãi rực sáng trong tim mỗi chiến sĩ năm xưa. Hòa vào dòng chảy bất diệt của lịch sử dân tộc, những ký ức đó như một dấu son không bao giờ phai nhòa, mãi là những minh chứng sống động giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về những ngày thu lịch sử tháng 10/1954.

Ngày về vinh quang

Nhớ lại ngày trở về tiếp quản Thủ đô, ông Nguyễn Hồng Minh (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội) kể lại, khi ông đang học Trường Công an Trung ương thì được cử về tiếp quản Thủ đô Hà Nội ở khu vực Cầu Giấy cùng các bạn học. Ấn tượng trong ký ức của ông, đó là hình ảnh các chiến sĩ trở về giải phóng Thủ đô đi đến đâu, quân Pháp rút đến đấy, cờ đỏ sao vàng trong Thành phố tung bay rực rỡ.

Ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ về ký ức ngày về tiếp quản Thủ đô năm 1954.

“Khi đó, nhận nhiệm vụ, tôi cùng các chiến sĩ vừa mừng, vừa lo, làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất trong quá trình tiếp quản Thủ đô rộng lớn. Chúng tôi ai nấy đều vui và phấn khởi vì được sống trong bầu không khí độc lập, tự do, nhưng lo vì trách nhiệm cần giữ vững an ninh trật tự, giữ gìn tài sản, công trình, phát động quần chúng thực hiện các phong trào. Bằng sự cố gắng, quyết tâm, tôi cùng các bạn học, đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó...”, ông Nguyễn Hồng Minh xúc động chia sẻ.

Dù đã ở tuổi 97, nhưng mỗi lần nhắc về Ngày Giải phóng Thủ đô, ông Phạm Ngọc Diệp, là chiến sĩ của đơn vị E77 của Trung đoàn 354, Bộ Tổng tham mưu lại dâng lên cảm xúc tự hào. Theo lời kể của ông Diệp, năm 1946, khi đó 15 tuổi ông đã trải qua những tháng ngày “nằm gai nếm mật” khắp các mặt trận.

Trước ngày tiến vào Thủ đô, Bộ Tổng tham mưu đã cho người vào nội thành trước để thám thính tình hình quân địch ở Bách hóa tổng hợp; giữ nhà máy điện, nhà máy nước Yên Phụ… Ngày 9/10/1954, chỉ trước ngày tiếp quản Thủ đô một ngày, đơn vị của ông đợi ở Phú Thọ. Đêm đó với ông và các chiến sĩ của đơn vị E77 là một đêm khó ngủ khi lòng háo hức nhớ về phố phường Hà Nội đã xa nhiều năm.

“Hôm nay ở Phú Thọ, mai về Hà Nội rồi mà chúng tôi chỉ muốn đi luôn thôi, bồn chồn không thể chờ được”, ông Diệp nhớ lại.

Trong những ngày tháng 10 lịch sử, ông Phạm Ngọc Diệp, là chiến sĩ của đơn vị E77 của Trung đoàn 354 lại dâng lên cảm xúc tự hào.

Ngày 10/10/1954, tiến về Hà Nội theo đường Ba Vì qua sông Trung Hà, ông cùng đồng đội đóng quân tại Ngọc Hà. Trong trí nhớ của ông, trên đường phố Thủ đô ngày lịch sử ấy, mấy chục vạn người Hà Nội từ trẻ tới già đều đổ xô ra đường, mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình, mang cờ, ảnh, hoa, tập trung ở các phố chính, hân hoan, tự hào đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến - quyết thắng”. 15 giờ chiều 10/10, quân dân Thủ đô dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ.

Sinh hoạt của người dân vẫn giữ được bình thường không bị gián đoạn. Các ngành lợi ích công cộng như điện, nước... vẫn hoạt động đều. Các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục vẫn làm việc... Sau tiếp quản Thủ đô, ông Diệp lại làm nhiệm vụ huấn luyện học sinh, vinh dự đón Chính phủ quay trở lại Thủ đô sau đó.

Tự hào được chứng kiến Thành phố đổi thay

Với cựu chiến binh Trần Quốc Hanh (nguyên cán bộ tuyên giáo Trung đoàn 57, Đại đoàn 304), ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô 70 năm trước vẫn như in trong tâm trí. Ông và các đồng đội tiến vào Thủ đô tiếp quản trước một ngày, nên không đi theo hàng ngũ chỉnh tề. Đi từ Hà Đông qua Phùng Khoang, Ngã Tư Sở…, hai bên đường hầu như không có nhà cửa, đều là ruộng.

Ông Trần Quốc Hanh kể lại ngày ông cùng đồng đội tiến vào tiếp quản Thủ đô.

“Hà Nội lúc đó chỉ có ít khu tập thể. Khi đó Pháp có âm mưu để cho chúng ta vào tiếp quản một thành phố chết, người dân vắng vẻ, không có chợ, không buôn bán, không có phương tiện công cộng. Khi vào tiếp quản, đi đến đâu Pháp bàn giao cho ta đến đấy, từng vị trí đồn bốt, căn cứ quân sự, vọng gác... dưới sự giám sát của Ủy ban giám sát quốc tế gồm Ấn Độ, Canada, Ba Lan,… Nhưng khi vào tiếp quản Thủ đô, người dân reo hò, chào đón, giây phút đó chúng tôi tràn ngập lòng tự hào dân tộc, đan xen lẫn xúc động vì người dân Thủ đô vẫn đợi chúng tôi trở về”, cựu chiến binh Trần Quốc Hanh nghẹn ngào chia sẻ.

Từ mốc son Giải phóng Thủ đô, 70 năm qua với ý chí quyết tâm, không lùi bước của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tiếp tục được bồi tụ, làm nên những thành tựu quan trọng. Đây cũng là động lực để cán bộ và nhân dân Thành phố hướng đến mục tiêu cao hơn, xa hơn, đồng lòng chung sức phát triển Thủ đô ngày càng văn hiến - văn minh - hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Trải qua 70 năm, chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội, các chiến sĩ tiếp quản Thủ đô năm xưa đều rất đỗi tự hào.

Cựu chiến binh Đàm Văn Thắng tự hào về sự thay đổi của Thủ đô sau 70 năm kể từ Ngày Giải phóng năm 1954.

“Với tôi, thứ hiện đại nhất Hà Nội năm ấy là những tuyến tàu điện từ bờ Hồ đi các hướng Hà Đông, Cầu Giấy, chợ Mơ, phố Vọng, Bưởi và Yên Phụ,... Còn tàu điện bây giờ thì hiện đại hơn, to rộng hơn, chạy nhanh hơn gấp nhiều lần. Những tòa chung cư cao tầng, những tuyến đường 5 - 6 làn xe,... Hà Nội phát triển quá nhanh và hiện đại. Sự thay đổi đó đã mang lại niềm tự hào, hạnh phúc rất lớn đối với chúng tôi”, cựu chiến binh Trần Quốc Hanh bày tỏ.

Cùng chung niềm tự hào, ông Đàm Văn Thắng cựu chiến binh tại thị xã Sơn Tây chia sẻ. “70 năm đã trôi qua, giờ đây thấy Hà Nội phát triển, đẹp đẽ và oai hùng, thật tự hào là Thủ đô nghìn năm tuổi. Mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô, nhất là khi được xem lại những hình ảnh tái hiện chặng đường chiến đấu đầy oanh liệt của quân và dân ta, thế hệ chúng tôi như được sống lại năm tháng hào hùng đó. Tôi mong rằng âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng sẽ còn vang mãi, là động lực để thế hệ trẻ tiếp nối xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh”.