Kỳ vọng chuyển đổi số ngành logistics
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng đối với logistics, mang lại nhiều tiềm năng và lợi ích lớn cho lĩnh vực này.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics được kỳ vọng có thể giải quyết những thách thức về lao động và phương tiện vận chuyển. Ảnh minh họa: INT. |
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ AI, ngành logistics hứa hẹn tiếp tục được cải thiện và nâng cao trong tương lai.
Bức tranh toàn cảnh
Kinh tế toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, bên cạnh đó việc các quốc gia có sự kết nối đa dạng đã thúc đẩy sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực logistics. Đây được coi là thời điểm “vàng” để ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp logistics. Bởi vậy, để tìm hướng đột phá, các doanh nghiệp logistics ngày càng chú trọng đến việc nghiên cứu, áp dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý.
Hiện nay theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp ngành logistics tại Việt Nam đang cung cấp từ 2 - 17 dịch vụ logistics khác nhau, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao nhận, vận tải, kho bãi, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. Nhiều doanh nghiệp đã và đang tích cực thử nghiệm, áp dụng các loại hình công nghệ vào hoạt động quản lý.
Theo phân tích của các chuyên gia, logistics tại Việt Nam hiện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào 4 lĩnh vực chính: Vận tải đường bộ, kho hàng trong thương mại điện tử sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo từ khảo sát của Vietnam Report (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực báo cáo đánh giá xếp hạng doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam), trong một năm trở lại đây, 100% doanh nghiệp logistics tăng đầu tư vào các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số.
Trong đó 86% doanh nghiệp kỳ vọng việc ứng dụng công nghệ, số hóa và chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích đáng kể về năng suất và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai. 36% doanh nghiệp logistics tin rằng việc đưa công nghệ vào hành trình logistics sẽ nâng cao trải nghiệm của khách hàng toàn cầu.
Khoảng 68% số doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng tiến bộ công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động kinh doanh, bao gồm Internet of Things (86%, điện toán đám mây (82%), trí tuệ nhân tạo (45%), Big Data và blockchain (42%).
Ảnh minh họa ITN.
Kỷ nguyên mới của logistic 4.0
Chị Trịnh Thu Phương (30 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Khi mua hàng online trên web hoặc sàn thương mại điện tử, tôi thường ưu tiên chọn những cửa hàng ở khu vực Hà Nội hoặc khu vực lân cận. Lý do là không phải chờ đợi quá lâu, khoảng 2 ngày là tôi nhận được hàng rồi. Có lần tôi đặt một bộ quần áo để đi du lịch nhưng mãi 4 - 5 ngày hàng vẫn đang nằm ở kho, khiến tôi rất sốt ruột. Đó là trải nghiệm rất tệ và tôi không bao giờ mua lại hàng ở đó nữa”.
Thiếu kiên nhẫn là một đặc điểm phổ biến được các nhà nghiên cứu tâm lý về hành vi mua sắm trực tuyến của khách hàng nhấn mạnh. Việc truyền đạt thông điệp trên các sàn thương mại điện tử, phương thức thanh toán và thời gian vận chuyển nên được thực hiện một cách ngắn gọn và hiệu quả. Vì người tiêu dùng thường thích trải nghiệm mua sắm trực tuyến mượt mà và nhanh chóng. Và nếu gặp phải sự chậm trễ, phần lớn khách hàng sẽ không hài lòng về chất lượng dịch vụ.
Hiểu được nhu cầu đó, anh Trần Phương (32 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã thành lập một dự án về tự động hoá logistic nhằm thay đổi cách vận hành của chuỗi cung ứng. Với mong muốn tạo ra một phần mềm điều khiển robot thay thế con người phân loại kho hàng để từ đó các hoạt động hiệu quả, linh hoạt hơn và đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường.
Anh Trần Phương cũng cho biết thêm, cách đây khoảng 3 năm, đa phần các sàn thương mại điện tử ở nước ta vẫn sử dụng người lao động để thực hiện tất cả các thao tác trong chuỗi logistic.
Chính vì vậy, việc chậm trễ, không đồng nhất ở các khâu rất dễ xảy ra dẫn đến việc khách hàng không có trải nghiệm ổn định. Trong khi đó nhiều quốc gia cùng khu vực như Trung Quốc, Singapore… đã áp dụng giải pháp tự động hóa trong quản lý kho hàng cho thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối và chuyển phát nhanh.
Trong thị trường logistics cạnh tranh ngày càng khốc liệt này, công nghệ đóng vai trò là một lợi thế đáng kể. Ứng dụng AI trong logistics đã tăng đáng kể khả năng tự động hóa trong toàn bộ quy trình giao hàng, bao gồm theo dõi đơn hàng, quản lý hàng tồn kho, kiểm soát sản phẩm, tối ưu hóa khoảng cách và quản lý đội xe theo thời gian thực.
“Logistics 4.0 tập trung vào việc khai thác các công nghệ mới và sáng tạo, ví dụ như xử lý đơn hàng vận chuyển không cần giấy tờ với vận đơn điện tử. Chúng tôi hướng đến phát triển phần mềm công nghệ thông tin trong logistics, thúc đẩy cách mạng hóa ngành công nghiệp với các khả năng: Nhận dạng tự động, theo dõi vị trí, thời gian…”, anh Trần Phương lý giải và cho biết thêm:
“Bên cạnh đó tối ưu hoá chi phí thuê nhân công bằng cách thay thế một số tác vụ tự động hoá. Hiện chúng tôi đang tập trung phát triển 2 dự án. Đầu tiên là xe tự hành AGV: Xe có thể di chuyển trong kho mà không cần hướng dẫn của con người, cải thiện hiệu suất giao hàng, tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn cho hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
Tiếp theo là sử dụng robot. Bởi nhu cầu ngày càng cao về hoạt động nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả đã dẫn đến sự gia tăng trong việc sử dụng robot trong lĩnh vực logistics. Robot có khả năng thay thế sức lao động của con người trong nhiều hoạt động của kho hàng, chẳng hạn như tiếp nhận, quản lý kho, xử lý đơn hàng và vận chuyển… Hiện dự án vẫn đang được chúng tôi gấp rút triển khai và dự định ra mắt trong năm 2026”.
Hội đồng Logistics Hoa Kỳ định nghĩa logistics là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, triển khai và kiểm soát việc di chuyển và lưu trữ kho nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm, cùng với thông tin liên quan, từ giai đoạn sản xuất đến tiêu dùng với sự phối hợp giữa nhân lực và máy móc để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. |