Nhân lực số - Lợi thế cạnh tranh trong ngành Logistics
Các doanh nghiệp cần phải coi nhân lực là một khoản đầu tư, không nên coi đó là các chi phí. Chúng ta phải hướng đến mục tiêu lâu dài để chúng ta bỏ kinh phí ra đào tạo cho nhân lực. Nếu coi đó là chi phí, thất thoát chúng ta phải cắt giảm thì rõ dàng nguồn lực của chúng ta sẽ càng ngày càng giảm sút, co hẹp về mặt chất lượng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 qua ước đạt trên 619 tỷ USD. Đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức rất lớn đối với ngành dịch vụ Logistics nhằm phát huy vai trò là ngành dịch vụ hỗ trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đặc thù doanh nghiệp Logistics Việt Nam trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, để cạnh tranh trên thị trường không có cách nào khác là không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, chuyển đổi số trong Logistics ở Việt Nam vẫn đang giai đoạn đầu, chưa thực sự được đầu tư đúng mức, còn khó khăn về vốn, kinh nghiệm quản lý, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực số.
" Các doanh nghiệp cần phải coi nhân lực là một khoản đầu tư, không nên coi đó là các chi phí. Chúng ta phải hướng đến mục tiêu lâu dài để chúng ta bỏ kinh phí ra đào tạo cho nhân lực. Nếu coi đó là chi phí, thất thoát chúng ta phải cắt giảm thì rõ dàng nguồn lực của chúng ta sẽ càng ngày càng giảm sút, co hẹp về mặt chất lượng. Đây là quan điểm góp phân tạo nên thành công của doanh nghiệp Logistics".
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới nhận định, với xu thế hiện nay thì nhu cầu nhân lực chuyển đổi số của Việt Nam trong 5 năm tới cần phải tăng 22%. Bà Hồ Thị Thu Hoà, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam đã đưa ra những gợi ý các doanh nghiệp Logistics cần thực hiện trong thời gian tới.
Bà Hồ Thị Thu Hoà, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam.
"Thứ nhất là thay đổi về tư duy. Điều trọng nhất chính là quyết tâm và vai trò của người lãnh đạo. Chúng ta phải phải xây dựng chiến lược chuyển đổi số, có những lộ trình, những phân kỳ công việc rõ ràng để chúng ta không quá áp lực với những thách thức với những mục tiêu của chuyển đổi số. Thứ hai là chúng ta cần phải tăng cường tạo ra môi trường làm việc số. Chúng ta không thể nói rằng nhân lực phải có kỹ năng số nếu chúng ta không tạo cơ hội cho họ có những môi trường mà ở đó họ có cơ hội để thể hiện khả năng số của mình. Thứ ba là cần chú trọng đến việc xây dựng những quy trình trong doanh nghiệp mà có những điểm phù hợp với đặc thù mỗi doanh nghiệp và lựa chọn những công nghệ phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp; tránh đầu tư theo xu hướng dẫn đến có thể không sử dụng hết hạ tầng đầu tư, gây lãng phí. Thứ tư là sự kết nối, kết nối giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để chúng ta có thể gắn kết, hỗ trợ cơ sở đào tạo thấy được cần có sự thay đổi trong chương trình đào tạo để hướng tới đào tạo kỹ năng số cho người học. Để khi họ ra trường thì doanh nghiệp có thể sử dụng ngay được".
Theo Báo điện tử Chính phủ