Công bố nền tảng “Nhân lực số”
Ngày 21/6, nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông qua Hoạt động “Nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp” (USAID WISE) tổ chức Hội thảo “Tương lai việc làm trong nền Kinh tế số” và công bố nền tảng “Nhân lực số”. Hội thảo diễn ra với cả hình thức trực tiếp tại trụ sở NIC, Hà Nội và trực tuyến qua nền tảng zoom.
Được biết, NIC đã phối hợp cùng USAID WISE để phát triển chương trình Đối tác phát triển nguồn nhân lực, trong đó NIC là đơn vị tổ chức và điều phối chính trong các hoạt động của chương trình này.
Chương trình đối tác phát triển nguồn nhân lực cung cấp nhiều khoá đào tạo (TOT) cho giảng viên các trường trên cả nước về các các lĩnh vực liên quan như: An ninh mạng, Lập trình Python, Điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo,v.v. Bên cạnh đó, phát triển nền tảng Nhân lực số cũng là một trong các hoạt động quan trọng của chương trình với mục tiêu tổng hợp và chia sẻ các thông tin về vị trí công việc, mức lương các kỹ năng và chứng chỉ cần thiết tương ứng liên quan đến các ngành nghề trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Quang cảnh Hội thảo.
Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, trong thời gian qua, NIC đã ký kết thoả thuận hợp tác để phối hợp với 03 công ty nhân sự uy tín của Việt Nam là Navigos/Vietnamworks, TopCV, JobHopin và phối hợp với USAID WISE cùng xây dựng nền tảng Nhân lực số. Đây cũng là một trong những nền tảng đầu tiên cung cấp chi tiết các thông tin về nhân sự trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Ông Vũ Quốc Huy tin tưởng, nền tảng Nhân lực số sẽ đem lại những kiến thức tổng quan nhất về thị trường việc làm, từ đó định hướng và tạo nên xu hướng phát triển nghề nghiệp cho các bạn trẻ trong tương lai. Các nhà tuyển dụng từ đó cũng có thể điều chỉnh và sử dụng nguồn lao động một cách hiệu quả, phù hợp trước những biến động của thị trường lao động.
Nói về cơ hội việc làm trong nền kinh tế số, ông Phan Vinh Quang – Trưởng nhóm nghiên cứu USAID WISE cho rằng: Hiện chúng ta có 2 nền kinh tế, một nền kinh tế truyền thống và 1 nền kinh tế số hay còn gọi là nền kinh tế mới. Trong đó, nền kinh tế truyền thống hiện nay nhiều người đang đối diện với nguy cơ mất việc làm, nhưng với nền kinh tế số thì nhu cầu việc làm đang rất lớn. Các công ty liên tục tuyển dụng, chính sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi trong tập quán tiêu dùng đã tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho nền kinh tế số.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, ông Phan Vinh Quang cũng cho rằng: Việc làm trong nền kinh tế số cũng đối diện với không ít thách thức, bởi công nghệ hiện nay biến đổi rất nhanh, tại thời điểm này công việc này đang trở thành xu hướng, nhưng nếu không nâng cấp, thay đổi và cập nhật thêm kiến thức mới thì sẽ trở nên lạc hậu trong một thời gian ngắn, đòi hỏi các bạn trẻ phải luôn cập nhật kỹ năng, kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh công nghệ có nhiều thay đổi.
Theo đó, để giải bài toán nhân lực số, NIC đã phối hợp với USAID thông qua hoạt động Nguồn nhân lực Đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp (USAID WISE) để phát triển chương trình Đối tác phát triển nguồn nhân lực, trong đó NIC là đơn vị tổ chức và điều phối chính trong các hoạt động của chương trình này.
Chương trình đối tác phát triển nguồn nhân lực cung cấp nhiều khóa đào tạo (TOT) cho giảng viên các trường trên cả nước về các lĩnh vực liên quan như: An ninh mạng, lập trình Python, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… bên cạnh đó, phát triển nền tảng nhân lực số cũng là một trong các hoạt động quan trọng của chương trình với mục tiêu tổng hợp và chia sẻ các thông tin về vị trí công việc, mức lương các kỹ năng và chứng chỉ cần thiết tương ứng liên quan đến các ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Ra mắt nền tảng "Nhân lực số".
Theo ông Phan Vinh Quang – Trưởng nhóm nghiên cứu USAID WISE: Nền tảng nhân lực số (https://nhanlucso.org.vn) được NIC và USAID công bố muốn đưa ra một bức tranh về các kỹ năng và mức lương tương ứng với kỹ năng việc làm trong nền kinh tế số, từ đó các bạn trẻ khi tìm kiếm con đường sự nghiệp, cơ hội học tập có thể định hình tốt hơn về tương lai của mình, kỹ năng cần phải học để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế số.
Tuy nhiên, để giải bài toán nhân lực trong nền kinh tế số, ông Phan Quang Vinh cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi bắt đầu từ khâu đào tạo, bởi nói về khả năng tư duy của lao động Việt Nam thì khá tốt, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì lại hạn chế, đặc biệt khả năng làm việc theo nhóm và khả năng ngoại ngữ cũng còn những tồn tại. Theo đó, nếu đào tạo khắc phục được vấn đề này, thì nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ rất phù hợp với nền kinh tế số.
Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đến từ các cơ quan tuyển dụng, các công ty công nghệ uy tín về các vấn đề đang rất được quan tâm trên thị trường đã trao đổi về các vấn đề được quan tâm như: (i) Công nghệ mới sẽ thay đổi thị trường việc làm và lao động như thế nào; (ii) Sự chuẩn bị của lực lượng lao động trẻ để thích ứng với những nhu cầu và thay đổi này với các diễn giả tham gia phần thảo luận đến từ: cơ quan Nhà nước; các công ty công nghệ (FPT/Fsoft, Omnilab, GotitAI,...); tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước; các công ty nhân sự/tuyển dụng (Navigos, TopCV, JobHopins) và các cơ sở đào tạo (Học viện Công nghệ BKACAD, VietAI, FUNiX,...).
Các đại biểu cũng thống nhất cao rằng, nền tảng Nhân lực số sẽ đem lại những kiến thức tổng quan nhất về thị trường việc làm, từ đó định hướng và tạo nên xu hướng phát triển nghề nghiệp cho các bạn trẻ trong tương lai. Các nhà tuyển dụng từ đó cũng có thể điều chỉnh và sử dụng nguồn lao động một cách hiệu quả, phù hợp trước những biến động của thị trường lao động.
Chân Hoàn (T/h)