Xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp là tập trung phát triển nguồn nhân lực
Ngày 12/5, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Cty CP Tập đoàn Green + tổ chức Hội thảo “Vai trò của lãnh đạo nhà trường trong Xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp”.
Hội thảo được tổ chức với hai hình thức trực tiếp và trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom.
Với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lấy sự phát triển của khoa học công nghệ làm nền tảng là kết luận tại Hội nghị Phát triển Giáo dục và Đào tạo Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ GD&ĐT chủ trì ngày 18/4/2023. Tại Hội thảo cũng tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học.
Xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp là tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp đột phá trong việc đẩy mạnh quá trình tự chủ trong các trường đại học, nghiên cứu xác định mô hình tự chủ đại học phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị đại học và thực hiện tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình.
Xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp - đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang là xu hướng chính của ngành giáo dục đào tạo trong những năm gần đây. Trường đại học cần có các hoạt động để thực hiện sứ mệnh như đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và văn hóa.
Trên hành trình 24 năm kiến tạo và phát triển, các thế hệ thầy và trò của Trường đại học Nguyễn Tất Thành đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong công tác xây dựng thành công một trường đại học theo định hướng ứng dụng và nghề nghiệp, có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn cũng như đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ của khu vực TP HCM mà của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu long và cả nước.
Chiến lược phát triển Trường đại học Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035 hướng đến trở thành đại học đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hội nhập, có sức cạnh tranh cao trong thị trường lao động; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Khu vực và Quốc tế.
Khởi nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp sáng tạo để tạo nên những giá trị trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới bền vững còn khó hơn rất nhiều. Ban Lãnh đạo Nhà trường luôn ưu tiên cũng như cam kết đầu tư, kiến tạo môi trường thuận lợi cho các em sinh viên để tham gia vào nghiên cứu mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cùng với những thành công từ sản phẩm của chính mình khi còn ngồi trên ghế Nhà trường. Đây sẽ là một bước đệm vững chắc cho những dự án đi vào thực tiễn. Với kiến thức vững chắc, ý tưởng sáng tạo phong phú cùng ý chí vượt qua chính mình, các sinh viên của trường sẽ từng bước khẳng định được thương hiệu của mình tại các đấu trường khởi nghiệp trong nước cũng như quốc tế.
TS. Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Nhà trường, khẳng định, Hội thảo “Vai trò của lãnh đạo nhà trường trong Xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp” là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa quan trọng để cùng nhìn nhận xu hướng mô hình quản trị đại học trong giai đoạn mới cùng với đó là vai trò của các nhà lãnh đạo trường đại học trong việc định hướng tầm nhìn và cam kết triển khai. Tại hội thảo, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có cơ hội đã chia sẻ những vấn đề xây dựng mô hình trường đại học khởi nghiệp để cùng nhau xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Các diễn giả trình bày các tham luận tại Hội thảo.
TS. Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp ĐMST Quốc Gia, Thành viên BĐH Đề án 844, Trung tâm Huấn luyện & Ươm tạo Doanh nghiệp Bizcare cho rằng, các trường nên tạo ra môi trường sáng tạo (khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, đón nhận và khuyến khích các ý tưởng mới); thúc đẩy tư duy sáng tạo (tổ chức các hoạt động đào tạo, tọa đàm, các hoạt động đổi mới sáng tạo cho giảng viên và sinh viên); quản lý các dự án đổi mới sáng tạo (thúc đẩy nghiên cứu các dự án đổi mới sáng tạo theo hướng thị trường, xây dựng các mô hình thương mại hóa công nghệ, các doanh nghiệp khởi nguồn); tạo ra liên kết đổi mới sáng tạo (tăng cường liên kết với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các cầu phần trong hệ sinh thái như doanh nghiệp, nhà đầu tư, các mạng lưới trong và ngoài nước nhằm tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm); đánh giá và quản lý đổi mới sáng tạo (đánh giá và đo lường các hoạt động đổi mới sáng tạo, đo lường hiệu quả và thành công của các hoạt động, dự án đổi mới sáng tạo).
Tại sự kiện đã diễn ra Phiên thảo luận mở về chủ đề “Vai trò lãnh đạo trường Đại học trong xây dựng mô hình Đại học khởi nghiệp” với sự tham gia của Ban Giám hiệu và thầy cô lãnh đạo các khoa/viện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã có phần chia sẻ thêm về tầm quan trọng của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như là vai trò của lãnh đạo Nhà trường trong việc xây dựng mô hình trường đại học khởi nghiệp sáng tạo mở.
Các sản phẩm từ dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia trưng bày và giới thiệu tại hội thảo.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Triển lãm sản phẩm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên – sinh viên NTTU.
Đó là những sản phẩm phát triển từ những ý tưởng đổi mới sáng tạo của cán bộ, giảng viên và sinh viên NTTU như: Bộ sản phẩm SOFa ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn và Sản phẩm ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn Fly Bio – Ngành Công nghệ Sinh học; Sản phẩm tinh dầu, sáp thơm, xà phòng, mỹ phẩm và phân bón hữu cơ sản xuất từ ứng dụng vỏ trái cam sau khi lấy nước Q-Green – Khoa Dược.
Cùng với đó là các dự án đã đạt giải Nhì tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với Ý tưởng khởi nghiệp” (SV_STARTUP) lần thứ 5 năm 2023 là Sản phẩm Trà tiêu độc Comtido – Khoa Dược.
Đây là dự án đã đạt Giải Nhất cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021; Giải Nhất Cuộc thi Truyền thông dự án Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo năm 2021; Giải Ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học lần 1 năm 2022 và đã được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công với Công ty Life Gift VN; …
Bên cạnh đó là một số những sản phẩm khác đến từ khoa/viện của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành như sản phẩm Sơn nước graphene đang được thử nghiệm tại Công ty sơn Việt Nhật.
Với sự hỗ trợ của Công ty sơn Việt Nhật, viện kĩ thuật công nghệ cao, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã triển khai dự án nghiên cứu hai hệ sơn nội thất và ngoại thất đang được thử nghiệm rất thành công.
Hoạt động khởi nghiệp đại học được Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đặc biệt chú trọng phát triển và đưa vào giảng dạy trong nhiều năm qua.
Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành không chỉ được đào tạo để nhận bằng đại học mà có thể tự thân lập nghiệp, tạo ra những giá trị để góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Khôi Nguyên (T/h)