Làm gì khi điện thoại mất tín hiệu?
Khi điện thoại cố định bị mất tín hiệu hay chập chờn, thường người dùng nghĩ rằng sự cố là do đường dây, và giải pháp nhanh gọn nhất là gọi “cứu hộ”, đợi kỹ thuật viên của nhà mạng tới giải quyết sự cố. Nhưng, nếu chịu khó kiểm tra, rà soát, sẽ không khó để bạn xử lý được một vài sự cố thường gặp…
Điện thoại mất tín hiệu hoàn toàn
Như thường lệ, bạn nhấc ống nghe, thực hiện cuộc gọi, không có tín hiệu nào cả, bạn nghĩ bị kênh máy, gác máy rồi nhấc lên, vẫn bặt tăm. Bạn nên kiểm tra ngay hộp tín hiệu, có thể do đầu giắc dây tín hiệu nối điện thoại với hộp tiếp xúc không tốt, đầu giắc bị ô xy hóa hay bị hỏng; trường hợp này chỉ cần thay dây nối tín hiệu thoại là xong. Nếu dây không vấn đề gì, bạn mở hộp tín hiệu ra xem dây cáp mạng đấu nối có bịt sút ra, hay đứt không, vì chỉ cần một trong hai đầu dây cáp bị đứt là cũng sẽ mất tín hiệu, bạn cần đấu lại. Xong xuôi, lấy máy di động gọi vào máy cố định, đổ chuông là bạn đã thành công.
Tín hiệu chập chờn, đứt đoạn
Có hai tình huống thường gặp sau: Một là khi bạn thực hiện cuộc gọi, tín hiệu thoại rè, nhiễu, tiếng từ ống nghe xoèn xoẹt khó chịu. Hai là khi bạn gọi về máy cố định, báo có đổ chuông, chỉ một tiếng chuông rồi nghe tút tút dài, hoặc có khi không thấy gì, vẫn như có người đang bắt máy. Thực hiện cuộc gọi bằng máy di động, dễ phát hiện sự cố nhất, máy báo cuộc gọi được kết nối, rồi như vẫn có người nhấc máy nghe, nhưng đồng hồ báo giờ đàm thoại trên điện thoại di động chỉ từ 0-1 giây là tắt.
Ở trường hợp tín hiệu thoại chập chờn khi bạn thực hiện cuộc gọi đi từ máy điện thoại cố định, có 2 khả năng xảy ra, là do dây cáp hết tuồi thọ nên tín hiệu kém, hoặc hộp tín hiệu hỏng. Nếu hộp tín hiệu do dùng lâu, bị hỏng, bị ô xy hóa, bạn chỉ cần thay mới là xong, nhưng tốt nhất khi thay hộp tín hiệu mới, bạn nên cắt bỏ đoạn dây cáp đấu nối cũ, tuốt lại đoạn mới rồi hãy đấu vào hộp tín hiệu mới.
Khi gọi đến điện thoại cố định, tín hiệu chập chờn, vẫn báo rồi tắt hoặc chuông điện thoại bất thường. Thì ở sự cố tín hiệu, chắc chắn việc bạn phải làm là kiểm tra hộp tín hiệu và dây nối từ hộp tới máy điện thoại. Hiện tượng ô xy hóa, khí ẩm tích tụ lâu ngày sẽ làm hộp tín hiệu hỏng hoặc dây nối hỏng, đầu nối tiếp xúc kém đi và dễ bị tích điện (để ý, bạn sẽ thấy tia lửa điện phát ra ở đầu nối của dây nối tới hộp tín hiệu khi bạn thực hiện cuộc gọi từ điện thoại di động hoặc từ máy khác để kiểm tra) làm mất hoặc gián đoạn tín hiệu thoại. Với trường hợp này, bạn cần thay cả hộp tín hiệu và dây nối. Rồi đảm bảo hộp nối ở nơi khô thoáng, không quá gần các thiết bị điện khác.
Tín hiệu chuông bất thường như đổ 1-2 tiếng chuông, chuông đang to bị nhỏ đi hoặc nghe è è, xẹt xẹt; nếu là máy điện thoại thường, loại đơn giản thì chỉ cần kiểm tra nút gạt bên hông máy, hoặc sấy máy nhẹ đề phòng máy bị ẩm. Còn nếu là loại máy tích hợp tính năng, như có màn hình xem lịch, thời gian… có đèn tín hiệu… (thông dụng có giá từ 200-400 ngàn đồng), thì loại máy này thường tín hiệu chuông ăn theo pin lắp sẵn trong máy. Lâu ngày sử dụng, bạn không để ý thay pin, và vệ sinh máy thì máy sẽ bị sự cố trên. Khi đó, bạn chỉ có cách thay máy khác.
Lưu ý: Đó là một vài sự cố mà thực tế hay gặp và không khó xử lý đối với điện thoại kéo dây truyền thống. Bạn nên thường xuyên chăm sóc, bảo quản điện thoại, để máy ở nơi thoáng, có khoảng cách vừa phải với các thiết bị điện khác. Tốt nhất, máy điện thoại nên được nằm riêng, đường dây tín hiệu cũng không bị chen lẫn dây điện từ các thiết bị khác thì sự cố sẽ ít xảy ra hơn.
Ngọc Linh