Lâm Ðồng đẩy mạnh số hóa nông nghiệp

09:54, 14/03/2022

Lâm Ðồng có điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp với mục tiêu "phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại".

Lãnh đạo tỉnh Lâm Ðồng thăm nông trại của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Ðà Lạt.

Những kết quả trong thời gian qua đã khẳng định, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là chủ trương đúng, cả về lý luận và thực tiễn.

Lâm Ðồng được đánh giá là tỉnh tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Giai đoạn mới, với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh xác định tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại và bền vững, trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp thông minh của quốc gia...

Nền tảng số hóa nông nghiệp

Qua hơn 17 năm thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều thương hiệu nông sản Lâm Ðồng đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, góp phần tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Lâm Ðồng đã được khởi động và đạt một số kết quả ban đầu, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp", hướng đến nền nông nghiệp hiện đại.

Tại Lâm Ðồng, sự ra đời của Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã thổi làn gió mới về khoa học-công nghệ tiên tiến trong ngành nông nghiệp. Thành lập năm 1994, hiện diện tích sản xuất hoa cao cấp của công ty đạt gần 320 ha, mỗi năm sản xuất khoảng 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống hoa, cung ứng ra khắp thế giới.

Ðể sản xuất được những cành hoa cao cấp, trong mỗi nhà kính trang trại của Dalat Hasfarm đều có thiết bị cảm biến, kết nối máy tính, điện thoại thông minh qua internet; chế độ hoạt động được lập trình sẵn, khi nhiệt độ vượt hoặc thấp hơn ngưỡng tiêu chuẩn, màng chắn sẽ tự động đóng/mở; máy tưới phun sương tự nhận biết độ ẩm để tưới tự động. "Những quy trình, công nghệ và kỹ thuật trồng hoa tiên tiến nhất châu Âu đã được Dalat Hasfarm áp dụng trên các nông trại", Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm Nguyễn Văn Bảo cho biết. Hiện Dalat Hasfarm đang "bắt tay" với hơn 100 hộ nông dân và sáu doanh nghiệp để hình thành liên minh sản xuất hoa cắt cành xuất khẩu.

Năm 1997, ông Lê Văn Cường (phường 8, thành phố Ðà Lạt) đã chọn khởi nghiệp bằng nông nghiệp, sau đó thành lập Công ty TNHH Dalat G.A.P để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện công ty đã có trang trại 32 ha, trong đó có 17 ha nhà kính trồng rau theo tiêu chuẩn Global GAP, ứng dụng phương pháp thủy canh hồi lưu, trồng cây trên giá thể; nước tưới được cài đặt, điều khiển tự động. Năm 2012, Dalat G.A.P được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận "doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao". Sau 25 năm hoạt động, Dalat G.A.P đã khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước và Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thành lập năm 2004, Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp An Phú, huyện Ðức Trọng có hơn 60 ha sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Những năm gần đây, hợp tác xã đã triển khai công nghệ 4.0 đến các trang trại thành viên và hiệu quả tăng lên rõ rệt, như kết nối IoT, nhật ký sản xuất điện tử, công nghệ tưới Israel… Ông Lê Văn Ba, Giám đốc hợp tác xã cho biết: "Áp dụng công nghệ mới, chất lượng, sản lượng tăng gấp nhiều lần và sản phẩm của hợp tác xã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Quản lý trang trại thời số hóa chỉ cần có điện thoại thông minh và internet".

Thực tế tại Lâm Ðồng cho thấy, thành công của chuyển đổi số là phải có sự hợp tác từ nhiều phía, sự kết nối giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân. Chuỗi liên kết số được thực hiện từ khâu sản xuất, quản lý đến thương mại. Và trong chuỗi giá trị đó, "nông dân số" là nền tảng quan trọng.

Tại huyện Ðơn Dương, ông Bùi Ngọc Cung được ví là "nông dân số". Với thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề nông, giờ ông cảm thấy nhàn nhã khi ứng dụng phần mềm IoT trên trang trại hơn 2,5 ha của mình. Ông kể: "Cách đây mấy năm, tôi được đi nước ngoài, sau đó quyết định đầu tư để thay đổi hình thức sản xuất". Trong trang trại trồng cà chua hút tầm mắt, ông Cung chỉ tay vào hệ thống cảm biến, hộp truyền tín hiệu treo khắp vườn, nói: "Công nghệ, máy móc làm hết rồi. Từ chế độ bón phân, tưới nước, đến chế độ chăm sóc…, khi hệ thống đưa ra cảnh báo thì mình xử lý phù hợp".

Tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học-công nghệ, thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm, tư duy đột phá trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần hình thành một thế hệ nông dân kiểu mới trên cao nguyên Lâm Ðồng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Ðồng Nguyễn Văn Châu cho biết, hằng năm, địa phương dành khoảng 80% kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học lĩnh vực nông nghiệp. 5 năm gần đây, tỉnh đã phê duyệt 11 chương trình, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng kinh phí 108 tỷ đồng; lồng ghép hơn 20 nghìn tỷ đồng nguồn vốn từ Trung ương và các dự án để tạo nguồn lực phát triển nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, nhập khẩu, thử nghiệm và nhân rộng công nghệ hiện đại của các nước châu Âu, Israel, Thái Lan, Nhật Bản...

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Thời gian qua, việc chuyển đổi số hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại tại Lâm Ðồng có bước phát triển mạnh mẽ, giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng, chip điện tử theo dõi sức khỏe vật nuôi; giám sát và điều khiển bằng hệ thống cảm biến IoT, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử…, từ đó đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện diện tích nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Lâm Ðồng đạt hơn 63,1 nghìn ha, chiếm 21% tổng diện tích canh tác; trong đó, hơn 376 ha ứng dụng công nghệ thông minh. Toàn tỉnh có 60 trang trại (hơn 198 ha) sử dụng công nghệ IoT, ứng dụng quản lý trang trại thông minh; cùng hệ thống sơ chế, phân loại nông sản thông minh dựa trên mầu sắc và kích thước; máy tách mầu trong chế biến trà, cà-phê xuất khẩu; rô-bốt đẩy thức ăn tự động, hệ thống mát-xa tự động trong chăn nuôi bò sữa.

Ðến nay, tỉnh Lâm Ðồng có 13 doanh nghiệp được công nhận "doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao", bảy vùng đạt tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Giá trị sản xuất bình quân nông nghiệp công nghệ cao, thông minh đạt 430 triệu đồng/ha, chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng, chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu. Do đó, tỉnh luôn định hướng các thành phần kinh tế tập trung chuyển đổi số với quy mô phù hợp.

Thực tiễn tại Lâm Ðồng cho thấy, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường từ 30 đến 50%. Hiện, nông sản Lâm Ðồng đã xuất khẩu qua hơn 40 quốc gia trên thế giới. Những kết quả trên cho thấy sự nhạy bén trong tư duy chuyển đổi từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp" của doanh nghiệp và nông dân, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với những cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý về tín dụng, đất đai, khoa học-công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu...

Với nền tảng, thành tựu nông nghiệp thời gian qua, Lâm Ðồng đặt mục tiêu đến năm 2025, có hơn 72,7 nghìn ha ứng dụng công nghệ cao; trong đó 1.000 ha ứng dụng công nghệ thông minh; ít nhất năm vùng nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao kiểu mẫu về nông nghiệp thông minh, cảnh quan môi trường, sản xuất nông sản an toàn và liên kết, tiêu thụ sản phẩm; tối thiểu có 10 doanh nghiệp đạt tiêu chí nông nghiệp thông minh. Tiến sĩ Phạm S phân tích, để chuyển đổi số nông nghiệp đạt kết quả tốt, Lâm Ðồng tiếp tục hợp tác và đặt hàng các trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là khối ngành khoa học-công nghệ, tài chính thông minh; mở rộng hợp tác quốc tế; thu hút doanh nghiệp FDI và có cơ chế, chính sách nhằm tạo đột phá về nông nghiệp thông minh.

Theo/nhandan.vn