Lào Cai: Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số
Với quan điểm "Lấy Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; Văn hóa số làm thay đổi cách thức làm việc, thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi sinh hoạt của mỗi người dân", Chương trình Chuyển đối số tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển 3 trụ cột chính là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Lào Cai: Phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng
- Lào Cai phát động phong trào thi đua về Chuyển đổi số
- Chuyển đổi số nông nghiệp Lào Cai góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
- Chuyển đổi số: Cơ hội để thanh niên Lào Cai thay đổi thứ hạng trên bản đồ thanh niên cả nước
- Sở TT&TT Lào Cai: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, đẩy nhanh chuyển đổi số
Tạo hành lang pháp lý, môi trường để thúc đẩy chuyển đổi số
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định "Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn; hạ tầng thông tin viễn thông, hạ tầng số" là một trong hai lĩnh vực đột phá chiến lược giai đoạn 2020 - 2025. Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành các đề án, nghị quyết, cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng thông tin truyền thông đồng bộ, hiện đại nhằm tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi số. Trong đó, nhiều chính sách quan trọng, có tính xuyên suốt như: Đề án số 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chính sách của HĐND tỉnh về đãi ngộ công chức, viên chức chuyên trách về an toàn thông tin.
Nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, lần đầu tiên, tỉnh Lào Cai phát động phong trào thi đua về chuyển đổi số. Trong đó, ưu tiên phong trào thi đua chuyển đổi số ở một số lĩnh vực như: cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; nông nghiệp; thương mại; du lịch; tài chính - ngân hàng; giao thông vận tải và logistics; tài nguyên và môi trường; y tế; giáo dục và đào tạo; quốc phòng, an ninh...
Chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai với mục tiêu phổ cập kỹ năng số cộng đồng (ảnh: Thu Hương)
Để triển khai có hiệu quả việc chuyển đổi số từ cơ sở, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, Chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai (http://chuyendoiso.laocai.gov.vn/) được xây dựng và vận hành từ tháng 6/2022 nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, nâng nhận thức, tạo đồng thuận, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp; góp phần làm cầu nối giữa các cấp chính quyền của tỉnh với người dân, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy, phát triển hoạt động chuyển đổi số.
Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
Với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, Lào Cai đã hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hướng về người dân.
Nhấn nút khai trương Hệ thống phản ánh hiện trường (ảnh: LCĐT)
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia trên địa bàn tỉnh tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân như: Tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chuyển đổi số; hỗ trợ người dân, hộ sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm, hàng hóa lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy mua sắm trực tuyến; hỗ trợ người dân định danh điện tử; tạo lập và hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng thanh toán điện tử; vận hành hệ thống thông tin phản ánh hiện trường của thị xã Sa Pa; triển khai hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh;…
Không chỉ triển khai trong tuần lễ hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia mà trước đó, Lào Cai đã thường xuyên triển khai các hoạt động giúp người dân chuyển đổi số, phục vụ người dân tốt hơn, nhanh hơn, hiện đại hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, truyền thông, du lịch, bảo hiểm xã hội, tài chính - ngân hàng, thuế, hải quan, nông nghiệp, thương mại điện tử. Nhiều ứng dụng được đưa vào sử dụng tạo sự thuận lợi cho người dân như: “Cổng hành chính công Lào Cai” trên Zalo; hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến; hệ thống camera giám sát; hệ thống thông tin phản ánh hiện trường; App công dân (Công dân số Lào Cai); App du lịch thông minh trên nền tảng thiết bị di động thông minh; hệ thống thông tin chăm sóc sức khỏe bệnh nhân Covid-19 tại nhà... Với các ứng dụng này, người dân có thể khai thác và tra cứu thông tin về Lào Cai, thực hiện thủ tục hành chính, đánh giá chất lượng dịch vụ, phản ánh đến cơ quan công quyền về các lĩnh vực của đời sống xã hội qua môi trường số. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến của tỉnh đạt 51%, đóng góp tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Sản phẩm OCOP trên Sàn Thương mại điện tử Lào Cai (ảnh: Thu Hương)
Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, từ đó hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho người dân, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã ứng dụng đưa sản phẩm, hàng hóa lên sàn thương mại điện tử; nhiều người dân đã xây dựng kênh bán hàng riêng trên nền tảng mạng xã hội, thực hiện livestream để bán các sản phẩm nông sản như Lê Tai nung, mận Tam Hoa, quýt Mường Khương, các sản phẩm OCOP, đem lại thu nhập cao. Mận Tam hoa Bắc Hà là sản phẩm quả tươi đầu tiên của tỉnh được bán trên Sàn giao dịch điện tử Postmart nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Lào Cai đã có hơn 70 doanh nghiệp, hợp tác xã với gần 300 sản phẩm gắn tem truy xuất nguồn gốc QRCode; hơn 60 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; sàn Thương mại điện tử tỉnh Lào Cai đã có hơn 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh mở gian hàng với tổng số trên 300 sản phẩm; tỷ lệ sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử đạt 91%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 99%.
Với phương châm người dân ở đâu thông tin tới đó, Lào Cai chú trọng đầu tư phát triển các kênh thông tin chính thức trên nền tảng số, tạo ra nhiều tiện ích cho người dân trong việc tiếp cận và lan tỏa thông tin. Giải pháp truyền thanh thông minh đã và đang được triển khai đến người dân ở huyện Bắc Hà, Bát Xát, thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân tiếp cận thông tin một cách chủ động, nhanh chóng, hiệu quả mà vẫn an toàn - đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Chuyển đổi số ở Lào Cai đã thực sự làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đầu tư hạ tầng và nhân lực thúc đẩy chuyển đổi số
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng nhờ đầu tư có trọng điểm nên Lào Cai đã có hạ tầng kỹ thuật CNTT, viễn thông hiện đại, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Việc ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng số đồng bộ gắn liền với ứng dụng nhằm phục vụ đắc lực cho chuyển đổi số. Hạ tầng viễn thông với độ bao phủ rộng, chất lượng cao, phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, trên 95% thôn, tổ dân phố; cung cấp dịch vụ internet đến 60% thôn, tổ dân phố; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 51,4%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 53,3%. Lào Cai là tỉnh/thành phố thứ 18 trên cả nước triển khai phủ sóng 5G (vào ngày 30/4/2022) góp phần thúc đẩy kích cầu du lịch, phục hồi kinh tế du lịch và đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trên địa bàn. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông đã góp phần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, các ngân hàng, doanh nghiệp bưu chính viễn thông đã đáp ứng việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, điện, nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ an sinh xã hội.
Lào Cai quan tâm chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng điểm, địa bàn ưu tiên, đặc biệt là quan tâm chuyển đổi số từ cơ sở. Với trên 1.500 tổ, gần 5.000 thành viên, các tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại cơ sở, từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, tạo lập hành vi, thói quen, thúc đẩy người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển toàn diện của vùng miền núi phía Bắc, đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá, đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc chuyển đổi số được xác định là một trong những khâu trọng tâm, đột phá, làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chuyển đổi số không phải là thêm một việc mới mà chuyển đổi số là thêm một cách làm mới cho những việc hiện tại. Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực dân cư thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mang lại giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp./.
Vũ Hùng Dũng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai