Litva trở thành "miền đất hứa" mới cho các công ty fintech EU
Giới quan sát đánh giá Litva đang trở thành trung tâm tài chính công nghệ (fintech) của châu Âu sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều công ty fintech có liên kết với Vương quốc Anh nhận được giấy phép tại Litva để họ có thể tiếp tục hoạt động trong EU.
Theo cơ quan xúc tiến đầu tư Invest Lithuania, dù chỉ có dân số tương đương 1/3 thủ đô London của Anh nhưng Litva lại là quốc gia thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dẫn đầu EU về lĩnh vực fintech với hơn 230 doanh nghiệp, trong đó khoảng 20 công ty có liên hệ với Anh.
Thủ đô Vilnius không có nhiều danh lam thắng cảnh như tại London, ngoài ra việc di chuyển đến nước này đang gặp khá nhiều khó khăn vì các biện pháp hạn chế đi lại để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, tốc độ Internet ở Litva lại rất tốt so với các nước châu Âu, trong khi lực lượng lao động tại đây lại am hiểu về công nghệ.
Invest Lithuania ước tính rằng lĩnh vực fintech sử dụng hơn 4.000 lao động trong cả nước - tăng hơn 18% trong năm qua. Một quan chức cấp cao phụ trách giám sát tại Ngân hàng trung ương Litva, bà Jekaterina Govina cho biết trong giai đoạn chuyển tiếp của Brexit, các công ty fintech bắt đầu tìm kiếm một “bến cảng” thay thế tại EU. Do đó, Litva đã trở thành một trong những lựa chọn chính của những công ty này.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực fintech tại Litva.
Giới chức Litva khẳng định có thể xử lý đơn xin cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp trong vòng sớm nhất là ba tháng, nhanh hơn bất kỳ nước nào khác ở EU. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương Litva cũng đã thiết lập một cơ chế cho phép các công ty fintech thử nghiệm những đổi mới sáng tạo của mình.
Báo cáo từ Invest Lithuania cho hay ngân hàng trung ương nước này đã cấp tổng cộng 118 giấy phép cho phép các công ty fintech hoạt động ở mọi nơi trong EU - cao hơn nhiều so với 77 giấy phép của Đức và 76 giấy phép của Pháp. Dù vậy, Anh vẫn vượt xa tất cả với 610 giấy phép.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh lĩnh vực fintech cũng đi kèm với rủi ro. Giám đốc điều hành của Tổ chức Minh bạch Quốc tế chi nhánh Lithuania, ông Sergejus Muravjovas cho rằng tham vọng trở thành một trung tâm fintech đi kèm với trách nhiệm đưa công tác phòng chống rửa tiền lên một tầm cao mới. Ông cho rằng Chính phủ Litva cần có một cách tiếp cận vững chắc hơn và dựa trên dữ liệu trong việc giám sát các tổ chức liên quan.
Thiên Thanh (T/h)