Lưu trữ, sao lưu và phục hồi dữ liệu hiệu quả sau sự cố
Bất kỳ một doanh nghiệp nào đều cần đảm bảo các thông tin quan trọng được bảo vệ chắc chắn và phục hồi nguyên vẹn cho dù xảy ra bất cứ chuyện gì từ thiên tai, hỏa hoạn hoặc do lỗi của con người với chi phí thấp nhất. Tại hội thảo nhằm đánh giá điện toán đám mây và dữ liệu khổng lồ cùng các vấn đề về lưu trữ, phục hồi dữ liệu sau thảm họa, EMC đã đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ có những phương án lưu trữ, phục hồi dữ liệu thông minh, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Lưu trữ thông minh
Thế giới CNTT đang biến chuyển sang mô hình điện toán đám mây nhằm tăng cường sự linh hoạt, giảm thiểu chi phí hoạt động. Các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường này luôn có lượng dữ liệu, thông tin lớn, được cập nhật và thay đổi từng ngày, từng giờ. Việc lưu trữ, sao lưu các thông tin quan trọng luôn là một thách thức với doanh nghiệp. Bởi lẽ, theo thời gian, lượng thông tin ngày càng phình to, dẫn đến tốn nhiều thời gian và kinh phí hơn để sao lưu và lưu trữ. Một giải pháp lưu trữ, sao lưu thông minh như De-duplication của EMC (thành lập từ 1979, hãng công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực Điện Toán Đám Mây) sẽ giúp doanh nghiệp bảo đảm an toàn thông tin với chi phí thấp nhất.
Khác với các phương thức lưu trữ truyền thống, thủ công sao lưu 1-1; De-duplication lưu trữ thông tin thông minh, loại bỏ sự trùng lắp thông tin nên giảm được rất nhiều lượng dữ liệu, thời gian lưu trữ, qua đó làm giảm chi phí lưu trữ của doanh nghiệp xuống mức thấp nhất. Điểm quan trọng là kích thước file backup được linh hoạt thay đổi, không cố định nên dữ liệu trùng lắp được loại bỏ tối đa. Đây là giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, khoảng 64% thiết bị backup sử dụng giải pháp De-duplication của EMC.
Nói một cách đơn giản hơn, trước đây với lưu trữ truyền thống: Chép dữ liệu ra băng (tape) sau đó chuyển đến các kho lưu trữ. Toàn bộ quá trình này là thủ công làm mất khá nhiều thời gian, tiền của. Hiện đại hơn là lưu trữ thực hiện trên các đĩa cứng. Song lại gặp phải vấn đề là trùng lắp thông tin. Vì vậy mà lưu trữ thông minh ra đời. Lưu trữ thông minh nổi bật nhờ sao lưu những dữ liệu không trùng lắp, chỉ cập nhật và thay đổi đúng phần dữ liệu thông tin đã được làm mới. Nhờ đó, hệ thống sao lưu không bao giờ bị quá tải. Khách hàng sẽ tiết kiệm nhiều chi phí mua ổ cứng, mua hệ thống tủ đựng lưu trữ, đồng thời làm giảm thời gian lưu trữ.
Phục hồi sau thảm họa bằng nhiều cách
Theo thống kê, có đến 85% lỗi đến từ con người do sai sót hoặc phá hoại, 15% lỗi do hỏng hóc phần cứng và chỉ có 1% lỗi do các thảm họa thiên tai. Trong trường hợp xảy ra các biến cố làm sập toàn bộ hệ thống, doanh nghiệp cần nhanh nhất khôi phục lại hoạt động hệ thống và hạn chế mất thông tin khi hệ thống chưa được phục hồi. Giải pháp Disaster Recovery của EMC giúp doanh nghiệp không mất dữ liệu quá 15 phút và có thể khôi phục lại hoạt động của hệ thống bao gồm: xây dựng lại hạ tầng, phục hồi dữ liệu và khởi động lại ứng dụng không quá 4h kể từ khi hệ thống sụp đổ. Phương án này khá tốn công nhưng chi phí lại rất hợp lý với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giải pháp Disaster Recovery hiện đang được một ngân hàng tại Việt Nam ứng dụng để đảm bảo hoạt động của hệ thống.
Đối với các doanh nghiệp lớn, hoạt động ngưng trệ sẽ gây ra những tổn thất vô cùng lớn cho doanh nghiệp về cả kinh tế lẫn giá trị thương hiệu. Vì vậy, cái họ cần là một giải pháp toàn diện, không gián đoạn, tuyệt đối an toàn. Thông hiểu được vấn đề này, EMC đã đưa ra giải pháp Business Continuity. Tuy phải tốn kém và phức tạp hơn giải pháp Disaster Recovery nhưng Business Continuity lại có thể đảm bảo cho doanh nghiệp tráo đổi nóng (hot) hoạt động giữa 2 hệ thống ngay lập tức mà không gây ra bất cứ sự gián đoạn nào dù là nhỏ nhất. Hệ thống luôn được đảm bảo hoạt động trơn tru trong bất kỳ tình huống nào. Phương pháp này được rất nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn vì với họ, tốn kém còn hơn là những thiệt hại to lớn cả về vật chất lẫn giá trị thương hiệu khi các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ. Bằng những giải pháp mới, thông minh, tiện ích, EMC đã phần nào cùng các doanh nghiệp lớn, nhỏ tháo gỡ các khó khăn trong công tác lưu trữ, phục hồi dữ liệu nhanh, an toàn, tiết kiệm.
EMC thành lập năm 1979, được xem như là doanh nghiệp khai sinh lưu trữ máy tính. EMC đã mua đến 40 công ty nhằm tích hợp các công nghệ tiên tiến của họ vào các giải pháp. Từ 2001, EMC đã chú trọng hơn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện EMC cung cấp các giải pháp lưu trữ tầm cao, tầm trung và tầm thấp. Các khách hàng tiêu biểu của EMC: Cục thống kê, ngân hàng Đông Á, Prudential...
Điện toán đám mây phát triển nhanh chóng một mặt mang lại nhiều giá trị thiết thực nhưng cũng sinh ra một số khó khăn như khiến cho nguồn dữ liệu tăng trưởng quá nhanh làm nhiều doanh nghiệp IT mất kiểm soát. Trong thập kỷ tới, lượng dữ liệu sẽ phát triển tới 20 lần, trong khi số lượng nhân viên CNTT chỉ tăng 1.5 lần. Và các dữ liệu này đều có thể bị tội phạm CNTT truy cập trực tuyến, điều nay dẫn tới lo ngại về an ninh. Vấn đề sao lưu và phục hồi dữ liệu dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đặc biệt quan trọng.
Ái Dân