Mạng di động thứ 8 – thị trường thêm “nghiệt ngã”?

04:07, 17/09/2009

Ngày 19/8, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động cho Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom (Indochina Telecom). Với giấy phép này, Đông Dương Telecom đã trở thành mạng di động thứ 8 tại Việt Nam được phép thiết lập mạng và cung cấp dịch thông tin di động.

 

7 mạng di động - vẫn còn chưa đủ !

Khác với bảy mạng di động trước, Đông Dương Telecom không được cấp băng tần, doanh nghiệp này sẽ đi thuê hạ tầng mạng cũng như tần số của doanh nghiệp khác để triển khai dịch vụ di động. Cụ thể, Đông Dương Telecom được phép chia sẻ chung mạng vô tuyến 3G với Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) và được chuyển vùng trong nước với các mạng viễn thông di động mặt đất công nghệ GSM (2G, 2,5G) cho khách hàng Việt Nam và nước ngoài. Dự định đến hết năm nay, mạng di động này sẽ đi vào triển khai, sau đó sẽ cung cấp dịch vụ ra thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, Đông Dương Telecom là doanh nghiêp không có hạ tầng thông tin vô tuyến, không có vùng phủ sóng nên việc cung cấp dịch vụ phụ thuộc quá trình doanh nghiệp đàm phán, mua lại lưu lượng của các doanh nghiệp khác. Mạng thông tin di động của Đông Dương Telecom ra đời hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng tần số tài nguyên quốc gia và giảm thiểu chi phí đầu tư của Nhà nước thông qua việc chia sẻ sử dụng chung hạ tầng mạng vô tuyến với các doanh nghiệp thông tin di động khác trên cơ sở hợp tác cùng có lợi. 

 

Giá cước sẽ tiếp tục giảm?
 

Hiện tại, thị trường di động Việt Nam đang trong thế “quần ngư tranh thực” với 7 nhà cung cấp dịch vụ là MobiFone, VinaPhone, Viettel, Sfone, EVN Telecom, Vietnamobile và Beeline. Cuộc chiến giữa các mạng di động đang ngày càng trở nên gay gắt, quyết liệt khi “miếng bánh thị phần” đã được chia nhỏ và không còn “dễ xơi” như trước nữa.

Theo ước tính, hiện Việt Nam có khoảng hơn 80 triệu thuê bao điện thoại di động. Các doanh nghiệp tham gia vào thị trường thông tin di động Việt Nam chỉ còn 1,5 đến 2 năm nữa để phát triển thuê bao trước khi đến ngưỡng bão hoà. Vì vậy, sự tham gia cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp mới ở thời điểm này sẽ gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, trong thế cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, đã có những doanh nghiệp “đuối sức” trong cuộc chạy đua cạnh tranh. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông dự đoán đến một xu thế phá sản hoặc sát nhập giữa các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông trong nước.

Việc xuất hiện các mạng di động mới được dự đoán là sẽ làm cho thị trường viễn thông Việt Nam trở nên sôi động và nghiệt ngã hơn. Với sự xuất hiện của  Đông Dương Telecom, trước đó không lâu là Beeline, giá cước được dự đoán là tiếp tục giảm xuống nữa bởi thông thường, để kích cầu, các mạng di động mới thường có mức cước thấp hơn các doanh nghiệp cũ khoảng 10-15%. Chiêu giảm giá cước luôn được coi là chiêu thức phát triển thuê bao hữu hiệu nhất.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, giá cước di động Việt Nam hiện nay đã vào mức trung bình của khu vực và thế giới. Và dự báo với mức độ phát triển như hiện nay vào năm 2015, giá cước di động Việt Nam sẽ nằm vào nhóm rẻ nhất thế giới.

                                                        Khôi Nguyên

TIN LIÊN QUAN