Mạng điện báo Hệ đặc biệt phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước

09:27, 27/02/2024

Phát triển Mạng điện báo Hệ đặc biệt trở thành hệ thống phục vụ thông tin khẩn cấp, cơ mật của Đảng, Nhà nước trong mọi tình huống.

Các Văn phòng Trung ương trao đổi về thiết bị, vận hành hệ thống thông tin trên xe thông tin chuyên dùng thế hệ mới.

Tại quyết định số 36/QĐ-TTg vào ngày 11/1/2024, về việc Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ đã nêu rõ. Hạ tầng thông tin và truyền thông là một chỉnh thể thống nhất, hình thành trên cơ sở liền kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng cộng nghiệp công nghệ thông tin, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tạo lập môi trường an toàn tin cậy cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Trong đó, quyết định 36 nêu rõ, Cần phát triển Mạng điện báo Hệ đặc biệt trở thành hệ thống phục vụ thông tin khẩn cấp, cơ mật của Đảng, Nhà nước trong mọi tình huống, bao gồm: Hoàn thiện tổ chức mạng theo Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; sử dụng thiết bị với công nghệ hiện đại; ưu tiên quy hoạch phân bổ tần số vô tuyến điện; sử dụng các giải pháp bảo mật cơ yếu, bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 5 theo quy định của pháp luật.

Theo đó, đài trưởng mạng tại Hà Nội, đài trung tâm miền Trung tại Đà Nẵng, đài trung tâm miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, đài điện báo tỉnh, đài điện báo huyện đảo và đài điện báo cơ động. Cần xác định cụ thể theo Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và các văn bản hướng dẫn. Quyết định nhấn mạnh, mạng điện báo Hệ đặc biệt là mạng viễn thông dùng riêng, phục vụ yêu cầu riêng biệt về thông tin liên lạc khẩn cấp và cơ mật cho cơ quan Đảng, Nhà nước.

Mạng điện báo Hệ đặc biệt phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước

Cán bộ kỹ thuật thiết lập trang thiết bị trong lều tạm ở địa hình khó khăn.

Quy mô công trình

Đài trưởng mạng tại Hà Nội, các đài trung tâm miền tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, mỗi trạm thành phần thuộc đài trưởng mạng, các đài Trung tâm miền có diện tích tối thiểu 0,1 ha. Đài tỉnh, huyện đảo có diện tích tối thiểu 0,1 ha; đài cơ động được sử dụng trong khi di chuyển hay tạm dừng ở những điểm không cố định, phục vụ thông tin cho cơ quan Đảng, Nhà nước trong những trường hợp khẩn cấp, cơ mật.

Mạng điện báo Hệ đặc biệt là hệ thống thông tin có tính chiến lược, sử dụng công nghệ hiện đại, ngang tầm với các quốc gia trong khu vực và thế giới, bảo đảm thông tin thông suốt, an toàn bảo mật trong mọi tình huống, phục vụ hiệu quả, kịp thời yêu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp, cơ mật.

Với mục tiêu tại Đề án Nâng cấp Mạng điện báo Hệ đặc biệt đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt “Mạng điện báo hệ đặc biệt trở thành thành hệ thống thông tin có tính chiến lược, sử dụng công nghệ hiện đại, ngang tầm với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm thông tin thông suốt, an toàn bảo mật trong mọi tình huống”, trong thời gian qua, công tác đầu tư hiện đại hóa mạng lưới đã được Bộ Thông tin và truyền thông đầu tư trang cấp và đưa vào vận hành khai thác hiệu quả trong đó có hệ thống thiết bị và xe thông tin chỉ huy phục vụ ứng cứu thông tin trong các tình huống khẩn cấp.

Để công tác đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước được thông suốt điện báo viên Trung tâm Điện báo - Cục Bưu điện Trung ương đã kết hợp chặt chẽ các quy trình phối hợp triển khai xe thông tin chuyên dùng trong những tình huống khẩn cấp khi hạ tầng mạng thông tin bị ảnh hưởng như bị gây gián đoạn. Triển khai diễn tập với các phương thức truyền thông tin liên lạc như: Vận hành các máy điện thoại vệ tinh trên xe thông tin chuyên dùng; Vận hành thiết bị vô tuyến sóng ngắn trên các xe thông tin cơ động; Thực hiện triển khai xuồng cao su theo quy trình khi gặp địa hình trắc trở không thể di chuyển trực tiếp; Triển khai vận hành sử dụng các thiết bị phụ trợ.... Chất lượng các dịch vụ Hội nghị truyền hình, camera hiện trường sắc nét, dịch vụ bộ đàm bảo mật, inmarsat, VinaphoneS nghe trong, rõ ràng, kết nối đến Mạng điện báo Hệ đặc biệt thông suốt đáp ứng được các chỉ tiêu đặt ra.

Triển khai quy hoạch là trách nhiệm của các ngành, lĩnh vực

Tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quản lý và tổ chức thực hiện "Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Để Quy hoạch được triển khai theo đúng tầm nhìn và định hướng đã đề ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch này và đang gửi xin ý kiến góp ý của các đơn vị, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới để làm sở cứ triển khai Quy hoạch.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp có vốn nhà nước xây dựng các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, bố trí nguồn vốn để thực hiện Quy hoạch này.

Các địa phương xây dựng và triển khai các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch; tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng liên ngành, quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch.

Các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, quy hoạch phát triển của mình phù hợp với Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đầu tư, nâng cấp và mở rộng hạ tầng thông tin và truyền thông để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch như: hình thành các trung tâm bưu chính khu và trung tâm bưu chính vùng, các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng và trung tâm dữ liệu khu vực, triển khai, đầu tư thêm các tuyến cáp viễn thông quốc tế, hình thành và triển khai đề án, dự án khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm…

Việc triển khai Quy hoạch thành công sẽ kiến tạo động lực, không gian phát triển cho lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành, đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bao trùm và bền vững.

Quyết định số 36/QĐ-TTg đã nêu rõ, dữ liệu là tài nguyên, nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra vùng động lực mới và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ưu tiên nguồn lực phát triển điện toán đám mây, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực.

Công nghiệp công nghệ số là ngành công nghiệp nền tảng, cần có cơ chế chính sách đặc biệt để thúc đẩy phát triển.

Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ, công nghệ hiện đại theo định hướng chia sẻ dùng chung, tích hợp quy hoạch hạ tầng viễn thông quốc gia, kế thừa hợp lý hạ tầng thông tin và truyền thông đã được đầu tư phát triển, gắn kết chặt chẽ với các hạ tầng kinh tế - xã hội vật lý và tạo ra các thực thể số tương ứng trên không gian số.

Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng

(https://dientuungdung.vn/mang-dien-bao-he-dac-biet-phuc-vu-co-quan-dang-nha-nuoc)