Mạng xã hội phải hướng tới tính nhân văn

09:00, 22/01/2013

Mạng xã hội (MXH) có tác động ngày càng sâu rộng đối với đời sống xã hội. Nhiều người yêu thích nhưng cũng có những nghi ngại về những mặt trái của nó. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã có cuộc trao đổi cởi mở với chúng tôi về một số vấn đề liên quan tới MXH, trong đó có quan điểm về cách quản lý, cách thúc đẩy tính tích cực về nội dung của MXH.


Một công cụ thúc đẩy tính nhân văn

PV: Được biết, ông là người thường xuyên sử dụng MXH, vậy điều thú vị nhất mà ông nhận thấy từ MXH là gì?

Ông Vũ Hoàng Liên: Ngày nay, sử dụng MXH đã trở thành thói quen của đông đảo những người sử dụng internet. MXH tạo ra một không gian giao lưu mang sức biểu cảm cao, nhờ thế mà rất cuốn hút. Ở đó, con người không chỉ tiếp nhận thông tin, thông điệp mà còn thu nhận, chia sẻ tình cảm, tạo ra các mối quan hệ, sự liên kết mạnh mẽ, linh hoạt với thế giới xung quanh. Qua MXH, chúng ta có thể tìm được những người bạn cũ đã mất liên lạc, tạo ra những mối quan hệ mới.

MXH giúp con người tự tin thể hiện mình hơn. Những sự chia sẻ tâm tư, tình cảm mang ý nghĩa nhân văn rất cao là liều thuốc để chữa căn bệnh lạnh lùng, vô cảm trong một xã hội phát triển. Trên mạng xã hội, mọi người rất quan tâm tới nhau. Khi biết một anh chàng bị thất tình, chán chường, quẫn trí là mọi người sẽ xúm vào an ủi, chia sẻ; biết một em bé bơ vơ là gọi nhau quyên góp, bao bọc... Có những người rất nhút nhát, rụt rè khi giao tiếp ngoài đời nhưng trên mạng xã hội lại rất sôi nổi, tích cực bàn luận.

Văn hóa ứng xử của người Việt Nam có nhiều nét khép kín, nội tâm, giấu mình thì mạng xã hội lại cung cấp môi trường để giúp người Việt Nam vượt qua được sự khép kín, sống cởi mở hơn, phù hợp với một thế giới đang liên kết và hội nhập mạnh mẽ.

PV: Ông đang nói đến tính nhân văn của mạng xã hội?

Ông Vũ Hoàng Liên: Vâng. Không ít người có định kiến, hoặc là chỉ nhìn MXH đơn giản là sản phẩm công nghệ mà lại bỏ qua mất tinh thần nhân văn to lớn của nó. Tham gia MXH, tôi thấy rõ trong xã hội có rất nhiều người tốt, sống có trách nhiệm. Những phong trào xã hội tích cực, nhân đạo, từ thiện nhờ MXH mà lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực. Nói không quá, MXH nuôi dưỡng được những nét văn hóa lành mạnh.

PV: Có ý kiến còn cho rằng, chính MXH làm cho con người tách rời thế giới thực và làm lây lan bệnh tự kỷ. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Vũ Hoàng Liên: Đời sống thực bao giờ cũng là mục đích cuối cùng cần hướng tới. Vì thế, phải cân đối giữa đời sống thực và đời sống trên mạng xã hội. Điều đầu tiên phải cân đối là thời gian. Những người dành quá nhiều thời gian ngồi trước máy tính thì sẽ bị gù, mệt mỏi, bơ phờ, kém ăn, kém ngủ... Đó tất nhiên là điều nên tránh.

Nhưng không thể phủ định, mạng xã hội cung cấp cho con người một phương thức mới để giao tiếp với thế giới xung quanh. Trò chuyện trực tiếp trong cuộc sống thực bao giờ cũng là phương thức có tính cơ bản nhất, truyền thống nhất, người nhất và cũng thể hiện được giàu sắc thái cảm xúc nhất. Nhưng không phải lúc nào người ta cũng có điều kiện để thể hiện mình ở xã hội thực. Không phải lúc nào người ta cũng có thể gặp nhau trực tiếp, bởi có những cách biệt về địa lý. Do đó, không nên quá so sánh giữa đời thực và mạng xã hội. MXH có yếu tố "ảo", nhưng suy cho cùng vẫn là một hiện thân của xã hội thực, với những con người thực. MXH chính là xã hội!

Cần những tiếng nói chín chắn để định hướng trên MXH

PV: Thưa ông, cũng có những tiêu cực đến từ sự "cởi mở" trên MXH, ví dụ như không kiểm soát được lời nói, cảm xúc dẫn tới sự đàm tiếu, chửi bới, "ném đá" của cả cộng đồng mạng... tạo thành sức ép có tác hại không thể lường hết đối với một cá nhân?

Ông Vũ Hoàng Liên: Điều này không sai. Tôi đã chứng kiến có những người trở thành "món nhậu" của cộng đồng mạng. Mỗi người "ném" một lời bình phẩm, mặc dù họ cũng chẳng biết rõ lắm về nạn nhân, thậm chí cũng chỉ biết lơ mơ, loáng thoáng về phát ngôn của nạn nhân. Những "hòn đá" ác nghiệt ấy có thể sẽ vô tình giết chết một ai đó.

PV: Như thế lại là phản nhân văn?

Ông Vũ Hoàng Liên: Phản ứng về cái xấu là một phản xạ có điều kiện, tuy nhiên nên đúng mực, nhằm giúp cho cái xấu thay đổi để hướng tới cái tốt chứ không nên mang tính tiêu diệt. Vì thế, chúng ta cần tiếng nói, sự góp ý của người chín chắn, trưởng thành, những người lớn tuổi trong vai trò hướng dẫn, cảnh tỉnh trên mạng xã hội, để khuyên nhủ giới trẻ. Tôi dùng MXH, con tôi cũng dùng MXH, thực chất MXH đã bao gồm những gia đình ở trên đó và vẫn có lề lối, quy tắc, gia phong. Nhờ những tiếng nói chín chắn để định hướng, ai đó lỡ nhẫn tâm với người khác sẽ phải giật mình nghĩ lại, ai đó đang bị mê hoặc bởi những thông tin sai lệch cũng sẽ nhận thức ra.

Cách nào để quản lý?

PV: Ông nghĩ sao về chuyện có những người dùng MXH để "tấn công" xã hội bằng những hình ảnh hở hang, phản cảm? Rồi cả sự lợi dụng MXH cho mục đích tuyên truyền những thông tin, quan điểm sai trái. Phải chăng tính liên kết, sự tự do, cởi mở trên MXH khiến cá nhân, nhóm thiểu số có cơ hội để xâm hại đa số trong xã hội?

Ông Vũ Hoàng Liên: Quyền lợi của cá nhân rõ ràng không được làm hại đến quyền lợi của số đông. Lấy ví dụ như, một người cho rằng mình thoải mái nhất là khi không mặc gì trên người. Đó là quan niệm của cá nhân và có thể thực hiện nó ở trong nhà riêng, phòng riêng của mình. Phải nghiêm cấm phô diễn tình trạng phản cảm ấy ra ngoài xã hội. Không thể nhân danh tự do cá nhân để xâm phạm môi trường sống của người khác. Không thể nhân danh tự do ngôn luận để công kích, bôi nhọ người khác. Đây là những điều phải bị cấm.

PV: Vậy theo ông, có những cách hữu hiệu nào để quản lý MXH? Nhiều người đề nghị phải có luật riêng để quản lý MXH?

Ông Vũ Hoàng Liên: Tôi nghĩ chúng ta muốn quản lý cái gì thì đầu tiên phải hiểu về nó, hiểu các quy luật khách quan. Luật pháp nên tạo ra cơ hội cho sự phát triển. Cấm cái xấu, sự cố tình làm bậy, nhưng cũng phải động viên những gì tích cực. Đừng nên quá lạm dụng sự cấm đoán mà vô tình kìm hãm cả những cái tốt, làm mất đi quyền lợi, nhu cầu của người dân.

Tôi nghĩ rằng, một luật riêng để quản lý MXH là chưa cần thiết. Bởi như đã nói, MXH cũng là một cách biểu hiện khác của xã hội, mà chúng ta đã có rất nhiều luật để điều chỉnh xã hội rồi. Chúng ta cũng đã có những điều luật, quy định về việc đưa thông tin trên internet rồi. Nếu có phát sinh hành vi nào chưa có luật điều chỉnh thì chúng ta chỉ cần bổ sung điều luật thôi.

Nên quản lý bằng cách bơm thông tin tốt lên MXH, để hướng người sử dụng vào những điều tốt đẹp. Chúng tôi đang phối hợp với một số cơ quan, doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển mạng xã hội của Việt Nam. Phải làm sao để tạo ra sự sinh động, hấp dẫn, cuốn hút đối với sản phẩm MXH của Việt Nam. Quan trọng nhất là phải làm người dùng yên tâm, tin tưởng khi sử dụng các sản phẩm này. Họ phải cảm thấy sự riêng tư, những sở thích cá nhân được trân trọng và bảo vệ. Lúc ấy, chắc chắn các sản phẩm MXH của Việt Nam sẽ dành được thiện cảm. Đây là một công việc không hề đơn giản, bên cạnh sự nghiêm túc phải có những cách nghĩ cởi mở hơn, cách nhìn mang tính nhân văn hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Quần Đội Nhân Dân