Máy tính trong giáo dục là 1 trong 16 sản phẩm, dòng sản phẩm CNTT trọng điểm
Trong danh mục mới được Bộ TT&TT ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 2/2/2022, máy tính trong giáo dục là 1 trong 16 sản phẩm, dòng sản phẩm CNTT trọng điểm.
Danh mục mới sản phẩm CNTT trọng điểm vừa được Bộ TT&TT ban hành tại Thông tư 19 ngày 3/12, gồm 16 sản phẩm, dòng sản phẩm trong đó bao gồm:
- Thiết bị, phần mềm mạng viễn thông 5G và các thế hệ sau;
- Thiết bị, phần mềm nền tảng IoT;
- Điện thoại di động thông minh 4G và các thế hệ mạng sau;
- Camera thông minh, camera AI và các phần mềm phân tích, xử lý và quản lý dữ liệu thu được từ camera;
- Sản phẩm vi mạch (IC) cho viễn thông, CNTT, IoT;
- Sợi quang, cáp quang và các thiết bị truyền dẫn, kết nối trong thông tin quang;
- Máy tính cho giáo dục.
- Thiết bị, phần mềm nền tảng định danh và xác thực điện tử;
- Thiết bị và phần mềm của hệ thống điện toán đám mây;
- Phần mềm nền tảng phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data);
- Sản phẩm phần mềm ứng dụng công nghệ blockchain;
- Phần mềm nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu;
- Sản phẩm an toàn thông tin mạng (sản phẩm an toàn cho thiết bị đầu cuối;
- Sản phẩm an toàn lớp mạng;
- Sản phẩm an toàn lớp ứng dụng;
- Sản phẩm bảo vệ dữ liệu).
Thông tư 19 ban hành danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm sẽ có hiệu lực từ ngày 2/2/2022. Khi đó, Thông tư 01/2017/TT-BTTTT của Bộ TT&TT sẽ hết hiệu lực.
Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng hướng dẫn rõ, các dự án đầu tư, sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm theo quy định tại Thông tư 01/2017/TT-BTTTT đã được áp dụng chính sách ưu đãi, ưu tiên trước ngày Thông tư 19 có hiệu lực, sẽ tiếp tục hưởng chính sách ưu đãi, ưu tiên đầu tư nghiên cứu - phát triển, sản xuất cho đến hết thời hạn ưu đãi, ưu tiên theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày 3/12, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 20, theo đó thay thế danh mục sản phẩm phần mềm tại Thông tư 09/2013/TT-BTTTT bằng danh mục mới gồm 5 nhóm sản phẩm phần mềm: Nhóm phần mềm hệ thống, nhóm phần mềm ứng dụng, nhóm phần mềm công cụ, nhóm phần mềm tiện ích và các phần mềm khác. Thông tư này cũng có hiệu lực từ ngày 2/2/2022. Các sản phẩm phần mềm đã được xác định thuộc danh mục sản phẩm phần mềm trước ngày 2/2/2022 tiếp tục được áp dụng theo đúng mục đích của danh mục tại Thông tư 09/2013/TT-BTTTT.
Việc Bộ TT&TT căn cứ vào yêu cầu quản lý và tình hình phát triển của từng thời kỳ để ban hành danh mục mới sản phẩm CNTT trọng điểm là nhằm hình thành hệ thống sản phẩm CNTT trọng điểm; làm sở cứ phục vụ cho các hoạt động đầu tư; áp dụng chính sách thuế và chính sách ưu đãi; quản lý xuất nhập khẩu; quản lý chất lượng và những hoạt động khác liên quan tới sản phẩm CNTT.
Việc ban hành Thông tư 19 về danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm và Thông tư 20 sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm phần mềm kèm theo Thông tư 09/2013/TT-BTTTT cũng là một bước điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp với tình hình mới.
Về định hướng phát triển ngành công nghiệp công nghệ số giai đoạn tới, Bộ TT&TT cho biết, công nghệ số, công nghệ 4.0 làm thay đổi bản chất ngành công nghiệp ICT, biến đổi thành ngành công nghiệp công nghệ số nên khung pháp lý cũ không điều chỉnh được.
Vì thế, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho công nghiệp công nghệ số và triển khai các chiến lược, chương trình phát triển như: Xây dựng Luật công nghiệp công nghệ và các văn bản hướng dẫn; Xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có Chương trình hành động để triển khai thực hiện; Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Thiên Thanh (T/h)