MH17 của Malaysia bị bắn nhầm vì lỗi radar
Trong khi giới chức các nước đang nỗ lực tìm kiếm tác nhân gây ra vụ chiếc MH17 của Malaysia bị bắn rơi tại không phận Ukraine, hàng loạt tin đồn “trời ơi” cũng… ăn theo.
- Máy bay Malaysia bị bắn có thể là do tên lửa đất đối không
- Những “tình tiết mới” về vụ máy bay Malaysia bị bắn rơi
- Máy bay Malaysia bị bắn hạ ở Ukraine, khoảng 300 người chết
- Máy bay "bị lật" trên không, hàng chục người bị thương
- Máy bay quân sự Campuchia rơi, 5 phi công huấn luyện tử nạn
- Hy hữu: Gần 20 khách trên máy bay thiệt mạng vì cá sấu
- Máy bay trực thăng rơi ở Hà Nội do cháy động cơ
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
Ukraine tuyên bố đã xác định được địa điểm tên lửa phóng đi
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tuyên bố, máy bay Boeing-777 mang số hiệu MH17 của hãng Hàng không Malaysia rơi ngày 17/7 sau khi trúng tên lửa phóng đi từ thành phố Snheznoe, thuộc tỉnh miền Đông Donetsk, VietnamPlus cho biết.
Hình ảnh ba mẹ con người Việt tử nạn trong chuyến bay MH17 "định mệnh".
Theo đó, phát biểu với báo giới ngày 19/7 tại thủ đô Kiev, người đứng đầu Ban Phản gián SBU, ông Vitaly Naida cho biết, cơ quan này hầu như chắc chắn đã xác định được địa điểm phóng các tên lửa bắn trúng máy bay chở khách của Malaysia nói trên. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tên lửa được bắn đi từ khu vực thành phố Snheznoe, do những đối tượng ủng hộ liên bang hóa kiểm soát. Hiện chính quyền Kiev đang nỗ lực tới điểm phóng tên lửa để thu thập chứng cứ, song đây là việc không dễ vì tại đây có các hoạt động quân sự.
Liên quan đến vụ việc, Tổng thống Mỹ Barack Obama và đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Powers đều ám chỉ tên lửa bắn MH17 được phóng đi từ khu vực do phe ly khai Ukraine kiểm soát (ngày 18/7). Còn Nga thì chỉ trích Mỹ đã đổ lỗi cho phe ly khai mà không chờ đợi kết quả cuộc điều tra.
Trong khi đó, Reuters (Anh) cho biết, lực lượng dân quân miền Đông Ukraine đã ngăn các quan sát viên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tiếp cận xác máy bay bị rơi, chỉ cho phép họ quan sát một phần hiện trường có nhiều mảnh vỡ, bao gồm động cơ của máy bay...
Phía lực lượng ly khai Ukraine đã bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời tố ngược không quân Ukraine đã bắn hạ MH17 bởi quân đội Ukraine cũng sở hữu rất nhiều giàn tên lửa BUK, NATO gọi là SA-11.
Hàng loạt tin đồn kiểu “trời ơi”
“Ăn theo” vụ việc chiếc máy bay Malaysia MH17 bị bắn rơi, hàng loạt tin đồn không căn cứ đã được tung ra, cả ở trong nước lẫn quốc tế nhằm thu hút người xem. Nào là, đây là cái cớ cho cuộc chiến tranh thế giới thứ ba; rồi để che đậy sự thật về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS - là sản phẩm do con người tạo ra; hay “MH17 chính là MH370”; hoặc âm mưu ám sát Tổng thống Nga Vladimir Putin v.v... – tờ Người Lao Động đưa tin.
Đi theo đó là những lời giả lấp lửng như: Một cường quốc nào đó - Nga, Mỹ, Israel hay một nước phương Tây - đã bắn rơi máy bay và đây là cái cớ hoàn hảo để NATO đánh Nga hoặc Nga đánh Ukraine. “Chúng tôi có thể nhìn thấy rõ ràng chiến tranh thế giới thứ ba đang được khơi mào” - trang web Before Its News quả quyết.
Hay trang Reddit chỉ ra rằng, 16 năm trước, ông Jonathan Mann - một chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ủng hộ bệnh nhân AIDS - cũng tử nạn trong một vụ rơi máy bay. Hoặc hãng tin Interfax (Nga) đặt nghi vấn, chuyên cơ chở ông Putin có lộ trình bay giống chiếc MH17 - gần như cùng lúc và lại có kích cỡ và màu sắc tương tự chiếc máy bay xấu số, nên rất có thể đây là “một âm mưu” nhằm ám sát ông Putin.
Mỹ khẳng định, phe ly khai Ukraine đã bắn nhầm vì lỗi radar
Tờ The Times (Anh) ngày 19/7 đã dẫn một nguồn tin tình báo Mỹ, nói rằng có thể lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine đã bắn nhầm vào máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines vì lỗi radar – TTXVN cho hay.
Theo nguồn tin này, lực lượng ly khai đã nhắm bắn một máy bay vận tải của quân đội Ukraine, được cho là cũng bay ở vùng trời nói trên – cũng vào thời điểm MH17 đi ngang qua, song đã bắn nhầm. Nguyên nhân của việc “bắn nhầm” được cho là, đơn vị này (thuộc phe ly khai) đã vận hành hệ thống tên lửa của Nga nhưng không có radar để xác định máy bay đó là dân sự hay quân sự.
Theo nguồn tin thì để vận hành giàn tên lửa Buk (NATO gọi là SA-11), phải cần tới hai hệ thống radar, một radar chiến trường để nhắm bắn mục tiêu, và một radar để nhận dạng loại máy bay trên bầu trời.
"Họ chỉ có radar chiến trường mà không có radar nhận dạng máy bay trên không trung," nguồn tin nói với tờ Times. "Do vậy họ đã xác định nhầm mục tiêu."
Cơ quan an ninh Ukraine cũng cung cấp đoạn video được cho là ghi cảnh tên lửa Buk đi vào khu vực do phe ly khai kiểm soát vào thời điểm máy bay bị bắn hạ. Song đoạn video này chưa được kiểm chứng độc lập.
Ba người Việt thiệt mạng trên chuyến bay MH17 là 3 mẹ con
Theo nguồn tin từ những người bạn thân của các nạn nhân, ba người gốc Việt có mặt trên “chuyến bay xấu số” MH17 là Nguyễn Ngọc Minh (sinh năm 1977 tại Hà Nội) – người mẹ, và hai con là Đặng Minh Châu (sinh năm 1997) và Đặng Quốc Duy (sinh năm 2001). Tuần rồi, gia đình chị Minh đã dự đám cưới của người bạn này tại Manchester (Anh). Theo kế hoạch, ba mẹ con sẽ transit tại Kuala Lumpur (Malaysia) trước khi về Việt Nam nghỉ hè.
Chị Nguyễn Ngọc Minh và hai cháu sống ở Delft, một thị trấn nhỏ cách thủ đô Amsterdam (Hà Lan) 60km. Cả ba mẹ con hiện đều mang cả hai quốc tịch Hà Lan và Việt Nam. Bố các cháu là Đặng Quốc Thắng cũng đã qua đời tháng 8 năm ngoái trong một tai nạn tàu.
Cục Lãnh sự cũng đã đến thăm và chia buồn cùng gia đình chị Minh tại Hà Nội. Nguyện vọng của bố mẹ chị Minh là đưa thi thể ba mẹ con về Việt Nam. Gia đình cũng cung cấp mẫu ADN để gửi sang Ukraine giúp hỗ trợ công tác nhận dạng các nạn nhân.
Thanh Trà (tổng hợp)