Microsoft tố tin tặc Trung Quốc tấn công hạ tầng trọng yếu của Mỹ
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ Microsoft hồi tuần này đã phát đi cảnh báo rằng, một nhóm tin tặc Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động giám sát tinh vi đối với các cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng của Mỹ, bao gồm cả trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Microsoft tố tin tặc Trung Quốc tấn công hạ tầng trọng yếu của Mỹ.
Trong tuyên bố của mình, Microsoft cho biết, nhóm tin tặc mang tên "Volt Typhoon" đã giám sát các cơ sở hạ tầng của Mỹ bao gồm cả trên lĩnh vực viễn thông và giao thông kể từ năm 2021.
Nhóm này cũng đã tiến hành các hoạt động do thám các cơ sở của Mỹ ở đảo Guam, nơi đặt các tài sản quân sự quan trọng của Lầu Năm Góc ở Thái Bình Dương.
Mục tiêu dài hạn của nhóm này sẽ là tất cả mọi lĩnh vực của cơ sở hạ tầng ở Mỹ bao gồm: truyền thông, sản xuất, tiện ích, giao thông vận tải, xây dựng, hàng hải, chính phủ, công nghệ thông tin và giáo dục.
Microsoft cho biết việc giảm thiểu cuộc tấn công tin tặc này có thể là một thách thức và phía Bắc Kinh đang nỗ lực làm giảm khả năng liên lạc của Washington với khu vực châu Á.
Công ty Mỹ tin rằng, nhóm tin tặc "Volt Typhoon" đang “theo đuổi sự phát triển của các khả năng có thể phá vỡ cơ sở hạ tầng liên lạc quan trọng giữa Mỹ và khu vực châu Á trong tương lai".
Trong tuyên bố riêng biệt được phát đi hôm 24/5, mạng lưới tình báo Five Eyes (nhóm tình báo của Mỹ, Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand) cũng đã đưa ra Tư vấn An ninh mạng (CSA) và đề cập đến nhóm tin tặc này.
Tuyên bố nhấn mạnh, một “nhóm hoạt động đáng quan tâm được phát hiện gần đây được gọi là "tác nhân mạng Volt Typhoon ở Trung Quốc".
Các cơ quan tình báo của Anh cũng cảnh báo rằng các phương pháp mà tin tặc Trung Quốc sử dụng để xâm nhập vào các hệ thống của Mỹ có thể được áp dụng cho các quốc gia khác.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning, bác bỏ tuyên bố của nhóm tình báo Five Eyes.
Bà gọi tuyên bố là một “chiến dịch thông tin sai lệch tập thể” chứng tỏ Washington đang mở rộng việc truyền bá thông tin sai lệch bên ngoài các cơ quan chính phủ.
Còn về báo cáo của Microsoft, bà Mao Ning cho rằng, đây là thông tin “rất thiếu chuyên nghiệp” và “thông tin sai lệch”.
Theo chuyên gia chính sách Jonathan DT Ward, người sáng lập Tổ chức Atlas, việc nhóm tin tặc Trung Quốc cùng bị phát hiện bởi Micron và nhóm tình báo liên lục địa Five Eyes cho thấy ý đồ rõ ràng của Bắc Kinh trong việc tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Mục tiêu chính của Trung Quốc vẫn là tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu với Trung Quốc ở trung tâm, ông Ward nhận định.
"Các công ty của họ đang bắt đầu thực sự vượt trội theo từng lĩnh vực. Hiện có nhiều công ty Trung Quốc trong danh sách Fortune Global 500 hơn các công ty Mỹ. Đó là trò chơi mà chúng ta cần phải chơi" - chuyên gia chính sách Ward nhận định.
Thời gian qua, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều cáo buộc nhau tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào đối phương.
Hồi đầu tháng, Bắc Kinh cáo buộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sử dụng ưu thế công nghệ để điều hành "đế chế tin tặc" ở hàng loạt quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Trước đó, Mỹ cũng đổ lỗi cho Trung Quốc về hành vi gián điệp công nghiệp trên diện rộng nhằm vào các công ty Mỹ.
Phương Mai (T/h)